Cách đây hơn hai mươi năm, cái thời mới tốt nghiệp đi làm, có lần mình vào một nhà sách lớn và bắt gặp cảnh một nam thanh niên (có lẽ là sinh viên) bị bảo vệ bắt giữ với thái độ rất gay gắt vì ăn trộm sách. Lúc đó, có một vài người tặc lưỡi kiểu, thôi thì cũng vì mê đọc sách quá mà không có tiền, nên thông cảm.
Có thể thông cảm được không?
Mình cho rằng bất cứ hành vi ăn cắp nào cũng đáng lên án, mà ăn cắp trí tuệ còn đáng lên án hơn, vì nó ảnh hưởng đến nguồn tri thức của xã hội. Chữ nghĩa không đơn giản là những tờ giấy vật chất được in ra, nó là cả một quá trình tư duy và lao động trí óc được đúc kết từ một nền tảng giáo dục mà có. Khi tri thức không được coi trọng thì làm sao xã hội phát triển? Yêu đọc sách là điều rất đáng khen, nhưng nếu không có tiền, hãy tìm đến thư viện hoặc mượn sách mà đọc. Nếu muốn sở hữu những cuốn sách mới có nội dung như mình mong muốn, tất nhiên phải nỗ lực kiếm tiền để mua nó.
Trước khi đòi hỏi xã hội có văn hóa đọc tốt, hãy đọc sách bằng sự tử tế.
Có một học giả đã từng nói "một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng". Nếu nói về chuyện thích đọc sách thì Israel đứng đầu bảng với trung bình 64 cuốn mỗi năm cho mỗi người dân. Chúng ta cũng biết rằng dân Do Thái rất coi trọng việc bồi dưỡng trí tuệ dù họ có một lịch sử bị đàn áp và thảm sát trên nhiều vùng đất. Một đất nước khác cũng rất yêu đọc sách là Hungary, và với một số dân ít ỏi như vậy thì số lượng giải Nobel mà họ thu được trong nhiều lĩnh vực như vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế, hòa bình quả thật rất đáng nể. Ít hơn một chút là người Nga khoảng 55 cuốn mỗi năm. Tỷ lệ này ở các nước phát triển phương Tây và Nhật Bản là khoảng 40 cuốn mỗi năm. Còn Việt Nam thì thôi, cái tỷ lệ này thấp đến mức nói ra cũng phát ngượng: cách đây tầm 5 năm là 0,8 cuốn/năm và đến giờ thì có nhích lên chút đỉnh (khoảng 1 cuốn mỗi năm).
Rất nhiều cha mẹ tìm mọi cách để con đọc sách nhưng họ quên rằng chính họ lại không mê đọc sách. Sở thích đọc sách phải được nuôi dưỡng từ nhỏ và được phát triển qua môi trường sống. Trong nhà không có văn hóa đọc sách, con cái lấy gì để có được tình yêu đọc sách?
Và phải nhắc lại một lần nữa: để xây dựng văn hóa đọc sách, trước hết phải đọc sách bằng sự tử tế.
Tôn trọng nhu cầu đọc sách của bản thân
Hãy đọc những gì mình thích. Nhu cầu, sở thích của mỗi người đều không giống nhau. Có người thích đọc sách kỹ năng, kinh tế, có người thích đọc tiểu thuyết, người mê truyện trinh thám người lại mê truyện tình cảm, hay trẻ con thì thích truyện tranh... Thế giới sách rất phong phú đa dạng. Bạn chọn sách nào cũng có giá trị nhất định, miễn là sách đã được kiểm duyệt nội dung. Đó cũng chính là lý do mình luôn hướng các con đọc sách in thay vì đọc sách mạng. Sách in đều đã được nhà xuất bản kiểm duyệt và cấp phép, nên dù thể loại nào thì cũng phải đạt yêu cầu về chất lượng nội dung, hình ảnh và không chứa văn hóa độc hại. Còn sách mạng thì ai cũng có thể đăng được, nội dung rất khó kiểm soát. Các bạn nhỏ chưa đủ khả năng phân biệt đúng sai còn có thể bị lôi kéo bởi những nguồn sách tiêu cực.
Nhiều bạn sẽ lo lắng khi con bạn toàn đọc truyện tranh. Không sao cả, truyện tranh cũng có giá trị của truyện tranh, và nó kích thích sự phản xạ về hình ảnh. Tuy nhiên là cha mẹ thì bạn có vai trò định hướng để con có một sự kết hợp hài hòa, nghĩa là bên cạnh đọc truyện tranh còn phải đọc thêm truyện chữ để trau dồi kĩ năng tư duy và ngôn ngữ. Muốn vậy, ngay từ khi còn rất nhỏ, cha mẹ cần phải đọc sách cùng con, chứ không phải "ném sách cho nó đọc".
Tôn trọng nhu cầu đọc sách của bản thân còn là tạo cho mình một môi trường đọc sách thú vị nhất. Bất kể bạn nằm võng đọc sách, đọc trong vườn, quán cà phê hay thư viện... thì bạn đều phải cảm thấy đó là một môi trường dễ chịu để bạn tận hưởng việc đọc sách.
Ở căn nhà nào của mình cũng đều có một không gian được gọi là "thư viện gia đình" và đó là nơi chill nhất nhà.
Tôn trọng tác giả và tác phẩm
Thanh xuân của mình là những ngày la cà nhà sách Xuân Thu và Nguyễn Huệ cũng như rất nhiều nhà sách khác ở Sài Gòn, nướng kha khá tiền cho các nhà sách, hoặc các mạng phân phối uy tín như Tiki, Fahasa và cả Amazon Mỹ. Ngày xưa, có nhiều sách bày bán lề đường (không phải tiệm sách cũ nha) cũng như bây giờ rất nhiều sách in lậu rao trên mạng với giá rẻ bèo thì mình cũng không bao giờ mua vì cho rằng như vậy là thiếu tôn trọng tác giả và tác phẩm.
Ở các nước phát triển vấn đề bản quyền được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Một tác giả có thể làm giàu bằng tri thức thì họ mới có động lực lan tỏa giá trị trí tuệ và tinh thần cho cộng đồng. Rất nhiều người lên mạng dè bỉu về tình trạng dân trí thấp mà quên rằng chính những hành động rất nhỏ như sao chép sản phẩm trí tuệ của người khác hay mua sách lậu cũng chính là tiếp tay đẩy nền dân trí xuống vực thẳm.
Do đó, hãy tôn trọng tác giả và tác phẩm. Nếu bạn lỡ mua một cuốn sách mà không muốn đọc nữa, hãy gấp sách lại chờ thời điểm khác có thể sẽ có hứng thú, hoặc tặng lại cho một người phù hợp hơn. Nhưng nếu đã đọc sách, hãy đọc bằng sự tử tế.
Lan tỏa giá trị tích cực
Không chỉ đọc sách cho bản thân, chúng ta còn nên lan tỏa giá trị tích cực của cuốn sách đến người thân và bạn bè. Review sách hay cũng là việc nên làm và thú vị. Review sách cũng không có nghĩa là phải ngồi viết bài dài dằng dặc đâu mà lo không có thời gian và ít chữ, nhiều khi dăm ba câu tám vui vẻ cũng là xong.
Trước khi trở thành một tác giả và dịch giả, thì đương nhiên mình đã là một người đọc sách - không những thế là đọc rất nhiều sách từ khi còn rất nhỏ. Còn hiện tại thì tháng đọc khoảng năm cuốn cả Việt lẫn Anh, tức là cũng tiệm cận con số của dân Israel nhỉ. Đừng nói mình rảnh quá nên đọc sách nhiều nha, tất cả là do thói quen thôi. Ngày xưa lúc đi làm công sở còn đọc nhiều hơn vì lý do công việc. Còn thời đi học thì ác liệt nhất là giai đoạn học ở Fulbright - mỗi ngày đọc một chương giáo trình kinh tế bằng tiếng Anh cộng thêm mớ sách bên ngoài. May hồi đó trói được một chàng rồi chứ không thì ế luôn vì đọc sách.
Mình sẽ có một bài khác nói về việc khuyến khích con đọc sách. Tuy nhiên mình cho rằng trước khi hướng dẫn con đọc cái gì và đọc bao nhiêu, trước hết cần giúp con có được thói quen đọc sách bằng sự tử tế.
Comments