"Đây là ngôi nhà thôn dã mà thiếp đã xây cho hoàng đế của thiếp." (Lời hoàng hậu Ekaterina nói với sa hoàng Pyotr Đại đế).
Cung điện Ekaterina là minh chứng cho mối tình đẹp của sa hoàng Pyotr Đại đế và hoàng hậu Ekaterina (người sau này trở thành nữ hoàng nhờ được chồng truyền ngôi cho). Hoàng hậu đã bí mật cho xây dựng một cung điện đồng quê trong thời gian hoàng đế phải đi chiến dịch xa nhà để làm món quà bất ngờ khi chồng trở về. Đến thời của nữ hoàng Elizaveta (con gái của Pyotr và Ekaterina), bà đã cho mở rộng và cải tạo dinh thự của cha mẹ mình thành một cung điện nguy nga, tráng lệ, được xếp vào danh sách các cung điện đẹp nhất thế giới, thể hiện sự xa hoa cùng cực trong sinh hoạt của hoàng gia.
Cung điện Ekaterina nằm ở thành phố Puskin, cách St. Petersburg gần 30km về hướng Nam. Thành phố nhỏ bình yên và thơ mộng, cây rủ ven đường, chim bay mải miết. Đây là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ ca của đại thi hào Puskin suốt một thời cắp sách. Cung điện sau khi được nữ hoàng Elizaveta nâng cấp đã trở thành nơi nghỉ mùa hè của các sa hoàng, vì thế còn được gọi là "hoàng thôn", nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống bình nguyên bao la trải dài đến dòng sông Neva xinh đẹp. Quang cảnh hoa viên xinh tươi với những hồ nước xanh thẳm thẳm, hàng cây soi bóng đổ lá vàng khi thu về cùng kiến trúc mỹ lệ của những tòa dinh thự và nội thất lộng lẫy khiến nơi đây mang vẻ đẹp huyền ảo đến nao lòng.
Điểm nhấn của cung điện là phòng hổ phách, vốn là quà của vua nước Phổ Friedrich Wilhelm I tặng cho Pyotr Đại đế. Đây là căn phòng cực kỳ xa hoa được khảm toàn bộ bằng hổ phách và vàng ròng. Tương truyền, khoảng 6 tấn hổ phách loại tốt nhất của vùng vịnh biển Baltic đã được sử dụng cho căn phòng này. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, phòng hổ phách đã bị Đức quốc xã chiếm đoạt. Về sau, phòng hổ phách được tái thiết theo nguyên bản, tốn kém rất nhiều kinh phí, thời gian và công sức. Du khách vào phòng hổ phách không được phép chụp ảnh, vì thế, những tấm tôi chụp dưới đây chỉ là nội thất các phòng khác trong Cung điện. Tất cả đều bằng vàng, kết hợp với các vật liệu quý hiếm khác cùng những tác phẩm chạm khắc tinh xảo, những bức tranh lớn trên trần nhà... tạo nên một khung cảnh tráng lệ và xa hoa.
Để vào phòng hổ phách thật là gian nan. Sau khi mua vé vào cung điện thì chúng tôi phải xếp hàng thêm 4 tiếng nữa để vào đây, vì mỗi lần chỉ được vào khoảng 50 người. Đã đến đây thì ai cũng cố xem cho được phòng hổ phách, nên thôi chấp nhận xếp trong hàng người dài dằng dặc này vậy.
Nói đến cung điện Ekaterina, cũng nên nhắc đến mối tình của của vua Pyotr Đại đế và hoàng hậu Ekaterina như một chuyện "trà dư tửu hậu". Xuất thân trong một gia đình nông dân Latvia, mồ côi cha mẹ từ nhỏ và không được học hành, cuộc đời cô gái Marta Elena Skavronskaya cuối cùng đã sang trang vào năm 19 tuổi khi gặp Pyotr Đại đế vào mùa thu năm 1703. Đến năm 1707, hai người đã chính thức kết hôn sau khi Ekaterina đã sinh cho sa hoàng hai hoàng tử và một công chúa. Dù trước đó không được học hành, nhưng Ekaterina là một người có bản chất thông minh, mẫn cảm và đầy trực giác. Bà cũng là người giàu tình cảm, nhân hậu và phóng khoáng. Có thể nói, với một vị sa hoàng nhiều năm chinh chiến như Pyotr Đại đế, Ekaterina không chỉ là bạn đời mà còn là tri kỷ, là phụ tá đắc lực cho chồng. Bà có thể ngủ lều như vợ một chiến binh khi sa hoàng chinh chiến trận mạc, nhưng bà cũng thích khiêu vũ, đeo nữ trang và sống trong cung điện. Giữa bà, luôn có sự kết hợp hài hòa giữa nhu và cương. Bà chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong trái tim sa hoàng không phải nhờ sự tinh tế mà nhờ tình cảm giản dị chân thực. Có lần vua Pyotr nổi giận vì bà cố đề cập một vấn đề mà vua đã muốn cự tuyệt, ông đã đập vỡ một tấm kính và quát: "Thề là ta có thể phá hủy món đẹp nhất trong cung điện của ta". Hiểu ẩn ý của lời đe dọa, nhưng hoàng hậu vẫn bình tĩnh nói: "Làm như thế ông đã giúp cho cung điện đẹp đẽ hơn hay sao?" Sự dũng cảm và chân thành của hoàng hậu đã làm hoàng đế dịu lại. Một trong những câu nói nổi tiếng của Pyotr Đại đế là: "Ta tự biết mình có lỗi vì dễ nóng giận. Vì lý do này mà ta không cảm thấy bị xúc phạm bởi những người nói cho ta biết điều ấy và can gián ta, như Ekaterina của ta."
Mặc dù cuộc đời của hoàng đế và hoàng hậu không phải là không có bi kịch, nhưng cuối cùng họ đã vượt qua tất cả và Pyotr Đại đế đã làm một việc "vô tiền khoáng hậu": bãi bỏ mọi quy định chỉ nhường ngôi cho con trước đó khi phong cho vợ tước hiệu nữ hoàng để bà tiếp tục kế vị sau khi ông qua đời. Hai người có với nhau 12 người con (6 nam và 6 nữ), nhưng hết 10 người chết non. Quá sốc khi phải đối diện với thực tế không người kế vị, hoàng đế đã giam mình trong phòng, tuyệt thực và từ chối ngự triều, nhưng rồi nhận ra sai lầm, ông đã tìm hoàng hậu để an ủi: "Chúng ta đã tự làm khổ mình quá lâu. Ta không nên than phiền chống lại ý muốn của Thượng đế nữa".
Biết Pyotr Đại đế rất thích dinh thự, công trình kiến trúc tuyệt mĩ kết hợp với thiên nhiên hài hòa (chính ông là người đã biến St. Petersburg từ một vùng đầm lầy thành một thành phố tuyệt đẹp, đã cho xây dựng Cung điện Mùa hè...) nên hoàng hậu quyết định dành cho nhà vua một điều bất ngờ. Khi Pyotr Đại đế xa nhà một thời gian dài trở về, hoàng hậu đã rủ vua đến một vùng đất mà theo bà mô tả là nơi rất thích hợp để xây một nơi nghỉ cho hai người. Đến nơi, nhà vua cực kỳ kinh ngạc khi thấy ngôi nhà cùng cảnh quan vô cùng xinh đẹp, và Ekaterina đã nói: "Đây là ngôi nhà thôn dã mà thiếp đã xây cho hoàng đế của thiếp." Hoàng hậu dẫn nhà vua đi tham quan các phòng, và khi đến phòng ăn, tiệc đã được bày sẵn, hai người vừa chạm cốc thì 11 khẩu đại bác giấu trong hoa viên nhất loạt bắn ra chào mừng khiến Pyotr vô cùng hạnh phúc.
Cung điện Ekaterina đẹp nhất vào mùa thu, khi những tán lá vàng nghiêng mình soi bóng nước hồ xanh thẳm, vườn cây ra trái ngọt và những rừng sồi già xao xác lá với một màu vàng rực trải khắp sườn đồi, vì thế còn được gọi là Cung điện Mùa thu. Xin mượn tạm vài tấm hình trên trang web St. Petersburg chụp toàn cảnh cung điện Ekaterina vào mùa thu để các bạn chiêm ngưỡng.
コメント