Tôi gọi bảo tàng Hermitage là một thiên đường nghệ thuật, bởi nơi đây hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của nhiều nền văn hóa trên khắp thế giới. Tọa lạc ngay tại Quảng trường Cung điện St. Petersburg bên dòng sông Neva thơ mộng, cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp suốt 4 mùa, Hermitage không chỉ là một công trình kiến trúc vĩ đại mà còn là một trong ba bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới (cùng với bảo tàng Louvre của Pháp và Prado của Tây Ban Nha).
Tôi đến với Hermitage ngay sau ngày thứ hai tới St. Petersburg, với mong muốn có thể dành nhiều thời gian cho nơi này. Để tránh tình trạng phải xếp hàng mua vé (mà chắc chắn là ngày nào cũng hàng dài dằng dặc từ sáng đến chiều), bạn nên mua vé qua mạng từ trước. Ngay trong bảo tàng có nhà hàng, phục vụ du khách phải bỏ cả ngày trời để tham quan chốn này.
Bảo tàng Hermitage nằm trong 6 tòa nhà lớn, trong đó có Cung điện Mùa đông - dinh đại lễ của các sa hoàng, cùng các tòa nhà Tiểu, Cựu, Tân Hermitage và một số cung điện khác. Kiến trúc quần thể cung điện tao nhã và cổ kính, rất hòa hợp với những ngày mùa đông sương giá.
Cung điện Mùa đông nhìn từ sông Neva xinh đẹp:
Bảo tàng Hermitage được khởi đầu bằng một tòa cung điện do nữ hoàng Ekaterina II ngăn riêng để lưu trữ bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của bà. Cái tên Hermitage theo tiếng Pháp có nghĩa là "biệt điện hiu quạnh". Về sau, Hermitage được phát triển thành một bảo tàng bề thế, phản ánh lịch sử và thành tựu nghệ thuật của hầu hết các khu vực trên thế giới. Chính vì vậy, Hermitage được đánh giá là "tất cả vẻ đẹp của toàn thế giới hội tụ trong một viện bảo tàng". Đến đây, bạn như được đi ngược dòng lịch sử để tìm hiểu những kiệt tác bất hủ của nền văn hóa thế giới, từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ đương đại, từ Đông sang Tây, với đủ các tác phẩm hội họa, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ, bộ sưu tập khảo cổ học và tiền... qua nhiều nền văn minh Ai Cập - Hy Lạp - La Mã cổ đại cùng nhiều nền văn minh khác.
Bảo tàng Hermitage sở hữu khoảng 3 triệu hiện vật, được trưng bày trong gần 1000 phòng. Để dạo xem hết các hiện vật này, bạn phải đi bộ tổng cộng hơn 20km, và nếu dành cho mỗi tác phẩm 1 phút chiêm ngưỡng thì bạn phải mất đến 6 năm. Do đó, có thể nói 1 ngày tham quan kiểu khách du lịch chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc nuối vì chưa thể khám phá hết vẻ đẹp của viện bảo tàng đồ sộ này.
Ngay chính bảo tàng và cung điện cũng là những tác phẩm nghệ thuật. Trên tường và mái đều có những tác phẩm điêu khắc, hội họa kinh điển:
Đây là nội thất cung điện mùa đông:
Đồng hồ chim công là một kiệt tác được mọi du khách trên toàn thế giới muốn chiêm ngưỡng một lần trong đời, vì thế hiện vật này được trưng bày trong một phòng riêng. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một thành tựu về khoa học kỹ thuật. Khi được vặn giây cót, chuông đồng hồ sẽ báo hiệu thời gian và đến một thời khắc nào đó, con chim công bừng tỉnh, ngẩng đầu, xòe đuôi rộng và tròn xoe đôi mắt ngọc nhìn quanh rất sống động. Chiếc đồng hồ này là sản phẩm của Anh, được nữ hoàng Ekaterina II tặng cho quận vương Potemkin Tavrichesky. Tuy nhiên trong quá trình vận chuyển thì bộ máy đồng hồ bị hỏng, vì vậy quận vương giao cho nghệ nhân bậc thầy Kulibin sửa chữa. Trong cái rủi có cái may, nghệ nhân người Nga này không chỉ sửa máy mà còn hoàn thiện nó thêm để trở thành một chiếc đồng hồ tuyệt vời và chính xác suốt gần 3 thế kỷ.
Bảo tàng Hermitage đưa tôi trở về ký ức tươi đẹp của thời thơ ấu, khi tôi còn đọc đến thuộc lòng các mẩu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, say sưa tìm hiểu các điển tích, lớn hơn chút nữa là suy nhẫm triết lý sâu xa gửi gắm qua từng câu chuyện của một nền văn hóa cổ đại. Đây là bức họa "Lovers" mô tả cảnh thần Zeus xuống trần giả dạng chồng Alcmene để ái ân, từ đó sinh ra dũng sĩ Heracles (Hercules) - người sau này lập được 12 chiến công hiển hách.
Bức tượng "Cái chết của Adonis": Cuộc tình của Aphrodite (Venus) với chàng trai trẻ đẹp này tuy say đắm nhưng cuối cùng phải khiến chàng phải trả giá khi bị heo rừng húc chết.
Còn rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh họa thế giới như Leonardo da Vinci, Picasso, Vangogh... cùng nhiều hiện vật cổ cực kỳ tinh xảo và giá trị, nhưng để được cảm thụ vẻ đẹp ấy, cách duy nhất là đến tận nơi. Vé vào viện bảo tàng, theo tôi là quá rẻ, chỉ 600 rub (quy đổi khoảng 210.000 VNĐ) để được xem tinh hoa của cả thế giới.
Nếu có thể, hãy tìm đến Cung điện Mùa đông vào một ngày sương giá để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính nổi lên giữa màn tuyết trắng. Tôi đi vào mùa hè nên đỉnh điểm vẻ đẹp nằm ở một nơi nhộn nhịp và tươi vui hơn mà tôi sẽ đề cập trong phần tới: Cung điện Mùa hè.
Comments