Châu Âu cổ xưa là đâu?
Tôi chợt nhớ câu chuyện về bầu trời đêm trắng phủ xuống một kinh thành hoa lệ, những cây sồi già xao xác lá cùng cỗ xe ngựa lướt nhẹ trong ánh chiều tà. Cảm giác như thời gian đang ngừng trôi trong một phút giây hoài cổ. Nơi ấy, sao lại có thể cổ kính và nên thơ đến thế?
Tôi đến St. Petersburg vào một sớm mùa hè mát lạnh, ăn sáng và uống cappuchino trong một tiệm bánh xinh đẹp gần khách sạn, ngắm thành phố lãng mạn và suy tư qua lớp cửa kính mờ sương. Bánh mì kẹp cá hồi rất ngon, cà phê thơm tan đầu lưỡi, cảm giác mọi thứ đều êm dịu, chậm rãi và bình yên.
St. Petersburg được thành lập vào năm 1703 cùng với giấc mơ của Sa hoàng là xây dựng một thành phố thật giàu đẹp thông ra biển Baltic để chứng tỏ sự hùng mạnh của nước Nga. Pyotr Đại đế chính là người đặt nền móng xây dựng thành phố, bắt đầu với pháo đài Peter & Paul trên Đảo Thỏ dành được từ tay người Viking (Thụy Điển). Là một hoàng đế nhưng ông cũng là người trực tiếp giám sát công trình. Đảo Thỏ từng là căn cứ quân sự quan trọng của thành phố, nơi đây cũng có nhà thờ mang phong cách kiến trúc Baroque đầu tiên của Nga và nhiều công trình khác như xưởng đúc tiền, xưởng sản xuất binh khí, tháp chuông...
Pháo đài Peter & Paul, ngày nay mang tên Petro-Pavlov, là một trụ tháp bằng đồng cao vút, từ bờ sông Neva nhìn sang như một cây bút khổng lồ vẽ lên trời xanh.
St. Petersburg có nghĩa là "thành phố của thánh Peter". Khi đặt tên cho thành phố, Pyotr đại đế đã chọn vị thánh có khả năng đi trên nước nếu đủ đức tin và chiến thắng mọi kẻ thù, với hàm ý đây sẽ là một kinh đô bất khả xâm phạm và là cửa ngõ giao thương đường thủy lớn nhất phương Bắc. Với tầm nhìn xa trông rộng, vị hoàng đế này thấy rõ vùng đất xinh đẹp với sông Neva chảy từ hồ Ladoga đổ ra biển Baltic tại vịnh Phần Lan là một đường thủy huyết mạch của vùng Tây Bắc. Là người khai sáng thành phố, biến vùng đầm lầy rộng lớn thành một kinh thành hoa lệ có vị trí chiến lược và đặt nền móng cho một cường quốc châu Âu thời kỳ đó, Pyotr Đại đế được đánh giá là một hoàng đế vĩ đại. Ông được nhân dân bình chọn là nhân vật lịch sử kiệt xuất nhất của nước Nga (trên cả Lenin) và gọi là "Cha của Tổ quốc". Tượng của ông được đặt trong khuôn viên Đảo Thỏ và tương truyền rằng, ai đến vuốt vào bàn tay của ông sẽ rất may mắn.
Nổi tiếng nhất trong các bức tượng Pyotr đại đế là tượng "kỵ sĩ đồng". Bức tượng vô cùng kỳ vĩ, với hình dáng nhà vua phi ngựa hướng lên trời xanh rất hùng dũng. Dù vậy, 2 chân sau của con ngựa lại dẫm vào một con rắn với ngụ ý rằng đức vua dù rất tài giỏi vẫn gặp trở ngại trong sự nghiệp.
Là thành phố gần với cực Bắc, chịu ảnh hưởng của hiện tượng cực quang mùa hè, St. Petersburg nổi tiếng với những "đêm trắng" từ tháng 6 qua tháng 7. Hơn 10 giờ tối, nắng vẫn chan hòa trên dòng sông Neva, nhất định phải đeo kính mát và dùng kem chống nắng. Vào thời điểm này, mặt trời hiện diện ở thành phố khoảng 20 tiếng mỗi ngày.
Đêm trắng là những ngày hầu như không có đêm, nền trời phủ một màu trắng sữa huyền ảo và dân tình đổ ra đường chơi rất đông. Đêm trắng - lãng mạn nhất là chơi thuyền trên sông Neva ngắm kinh thành cổ kính.
St. Petersburg còn nổi tiếng với những dòng kênh xanh mát đổ vào sông Neva. Hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng rất nhiều cây cầu cổ kính cũng như tuyến giao thông thủy sầm uất khiến nơi đây được mệnh danh là "Venice phương Bắc". Bên các dòng kênh ấy là những công trình kiến trúc mỹ lệ, là những cafeteria đầy hoa thơ mộng, là những xe bắp tỏa hơi nghi ngút, là những con đường mùa này cây xanh lá, vương vấn bước chân ai.
Tôi thích những ngày trời se lạnh trong thoáng mưa bụi bay bay rồi bừng lên màu nắng rất trong, đi bộ trên những góc phố cổ kính và diễm lệ, ngắm nhìn những chiếc xe du lịch xinh đẹp, những cỗ xe ngựa lóc cóc trên quảng trường, bồ câu dạo đầy góc phố, tận hưởng vẻ đẹp sông nước lãng mạn và chiêm ngưỡng thành phố của đêm trắng với nắng vàng rực rỡ khi đã về đêm.
St. Petersburg còn là thành phố của di tích, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật cùng những cung điện vừa tráng lệ vừa thơ mộng, những nhà thờ tuyệt mĩ và nguy nga đến choáng ngợp mà tôi sẽ đề cập dần trong những phần sau.
Comments