Trong cuốn tiểu thuyết "Sóng", có một khoảng thời gian nam chính sang Paris thăm nữ chính đang du học tại Pháp. Trong 9 ngày đêm nồng nàn đó thì họ đã lê la hết Paris, nhưng có 2 điểm được tác giả đưa vào truyện trong hai phân cảnh "gọi em trở về" là Jardin du Luxembourg và La Basilique du Sacré Cœur de Montmartre. Sở dĩ tác giả chọn hai điểm này vì đó là nơi tụ tập của giới nghệ sĩ (bản thân nữ chính là một họa sĩ) và cũng là điểm hẹn của tình yêu.
Vườn Luxembourg (Jardin du Luxembourg) là một khu công viên lãng mạn và thơ mộng ở Paris, đã là niềm cảm hứng của không biết bao nghệ sĩ. Khu vườn được xây theo lệnh của hoàng hậu Marie de Mecidis, vốn là một nữ quý tộc đến từ Florence xinh đẹp của nước Ý, lúc này đã trở thành nhiếp chính cho con trai là vua Louis XIII. Tiền thân là một khu dinh thự được mua lại từ công tước xứ Luxembourg, sau đó đã được tái thiết theo phong cách kiến trúc Italia để thái hậu vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Khu vườn tráng lệ này hội tụ đủ vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá, cung điện, bảo tàng và các tác phẩm nghệ thuật. Đây cũng là nơi tụ tập của giới nghệ sĩ và rất nhiều tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, âm nhạc đến văn chương và thi ca được ra đời với cảm hứng từ khu vườn này. Tại đây cũng có hơn trăm bức tượng vinh danh các văn nghệ sĩ được đặt rải rác khắp khu vườn.
Vườn Luxembourg như một nốt trầm dịu dàng giữa lòng thành phố, bốn mùa tươi đẹp. Cây cối và hoa lá trong vườn được chăm chút rất kỹ lưỡng. Dù có hàng trăm loài hoa khác nhau, từ hoa hồng, hoa tulip đến hoa violet, tất cả đều được trồng và sắp xếp tỉ mỉ để tạo nên một bức tranh sống động, rực rỡ nhưng cũng rất hài hòa. Tôi đặc biệt ấn tượng với những hàng cây dẻ ngựa (horse chestnut) cao vút được cắt tỉa đều tăm tắp, nhìn góc nào cũng cực kỳ đẹp mắt.
Vườn Luxembourg lúc vào thu cũng đẹp nao lòng.
Không chỉ là một khu vườn hoa lệ, vườn Luxembourg còn là bảo tàng ngoài trời với rất nhiều tượng điêu khắc và đài phun nước được chạm khắc tinh tế. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến đài phun nước Medici (Fontaine de Médicis) nằm gần lối vào phía bắc của khu vườn. Đây là một tác phẩm nghệ thuật cổ điển, được xây dựng từ thế kỷ XVII với kiến trúc lấy cảm hứng từ phong cách Baroque Ý, với hình ảnh nữ thần Galatea cùng với bức tượng Polyphemus đang nhìn nàng với ánh mắt say đắm. Chính kiến trúc và câu chuyện tình yêu thần thoại này đã khiến cho nơi đây trở thành một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai yêu thích nghệ thuật và sự lãng mạn.
Vườn Luxembourg còn là điểm đến quen thuộc của giới sinh viên, học giả và những người yêu đọc sách. Cạnh khu vườn có thư viện Luxembourg, nơi lưu trữ nhiều sách quý và tài liệu nghiên cứu. Những chiếc ghế đặt rải rác trong vườn cũng trở thành nơi lý tưởng để mọi người ngồi đọc sách, suy ngẫm, hay thậm chí là viết nên những tác phẩm văn chương đầy cảm hứng. Nếu có dịp ghé qua vườn vào những ngày hè, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các sinh viên ngồi thành từng nhóm, bàn luận sôi nổi hoặc chăm chú vào những cuốn sách. Vườn Luxembourg là khu vườn của tri thức và văn hóa - một Paris rất khác nhưng cũng đầy quyến rũ.
Với tôi, được đọc sách của mình tại chính nơi mình đã chọn làm bối cảnh sáng tác quả là một kỷ niệm hết sức tươi đẹp.
Vườn Luxembourg cũng là điểm hẹn lý tưởng của các cặp tình nhân, từ những đôi thanh niên cho đến các cặp vợ chồng già. Đó là không gian của "tay trong tay", là nơi quên hết phiền muộn để chỉ là tình nhân mà thôi.
Khi Kiên sang Paris thăm Thanh sau hơn một năm cô từ bỏ anh ra đi, điểm đi chơi đầu tiên của hai người chính là khu vườn Luxembourg, nơi để họ nối lại tình cảm và quyết định gắn kết bên nhau mãi mãi. (SÓNG, trang 266-270).
Xem bài giới thiệu sách tại đây: SÓNG - khát vọng tình yêu vượt qua nỗi đau xuyên thế hệ
Thông tin về cuốn sách
Tác phẩm: Sóng
Tác giả: Bích Nga
Thể loại: Tiểu thuyết văn học Việt Nam
Độ dài: 375 trang
NXB: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam
Sách đã được phát hành trên toàn quốc. Các bạn có thể mua sách qua:
Hệ thống nhà sách Fahasa trên toàn quốc
Đơn vị phát hành: Ants Books
Đăng ký mua qua tác giả tại đây (kèm chữ ký và lời đề tặng của tác giả nếu yêu cầu).
Fanpage tác giả: tranbichngapage
Comments