top of page
Writer's pictureAthena

Tản mạn chuyện ăn

Updated: Nov 6, 2021

Tiết thu đẹp nhất có lẽ là vào khoảng tháng 10, tháng 11. Mùa thu phương Nam thường đến muộn hơn các vùng miền khác. Sài Gòn mấy hôm nay mát dịu, sáng ngủ dậy hít khí trời lành lạnh, cỏ cây hoa lá cũng mướt hơn. Thời tiết này dễ dụ con người ta vào bếp nấu ăn, mà ăn uống cũng ngon miệng lắm đây.



Tôi khá là thích thú khi bàn đến chuyện ăn. Mà thật lòng, tôi cũng thích những người có tâm hồn ăn uống lắm. Xưa nay chúng ta hay đánh đồng cái cụm từ "tâm hồn ăn uống" cho những người tham ăn, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn, chỗ nào cũng sà vào ăn, người thì béo tròn béo trục... Còn tôi, tôi muốn trả lại đúng nghĩa cho hai chữ "tâm hồn". Người nào biết ăn uống để đạt được cái đẳng cấp "tâm hồn" phải là một người sành điệu, am hiểu về khoa học và nghệ thuật ăn uống, biết chọn lựa, biết tận hưởng, họ biết ăn sao cho vừa ngon miệng lại vừa tốt cho sức khỏe và sắc đẹp. Những người ấy, tôi thấy tự bản thân họ đã toát ra một nét hấp dẫn tự nhiên, vóc dáng có thể mảnh mai, nhưng luôn luôn tràn năng lượng sống.


Còn nhớ ngày mới đặt chân vào Sài Gòn, tôi hầu như không thể nuốt trôi thứ gì họ nấu bởi cái vị ngọt ngào quá mức, đến tô canh cũng ngọt như chè. Nhưng tôi vốn không phải là người khắt khe trong chuyện ăn uống cho lắm, nên ăn riết cũng thành quen. Tôi chấp nhận hương vị ngọt ngào của họ như một phần hòa nhập cuộc sống ở vùng đất mới. Ẩm thực cũng là một nét bản sắc văn hóa. Tôi thích nghe giọng nói của các cô gái Sài Gòn, vừa trong trẻo vừa dịu dàng, tôi định nghĩa là một chất giọng "ngọt thanh như đường phèn". Tôi cũng thích cách người Sài Gòn buôn bán hòa nhã và dễ chịu, một lời cảm ơn hai lời cảm ơn khi khách mua xong. Tôi thích cái tấp nập của Sài Gòn khi đêm về, lúc tôi cùng bè bạn la cà chợ đêm Bến Thành với đủ món ăn của cả ba miền Nam-Trung-Bắc, cả những tiếng rao đêm trải dài con hẻm vắng như gọi lại cả tuổi thơ.


Mà nói đến tuổi thơ, ai lại chẳng có một tuổi thơ đầy kỷ niệm! Tôi sống 20 năm ở vùng đất mà chuyện ăn uống được nâng tầm lên thành một nghệ thuật như là linh hồn xứ sở. Dẫu vậy, ngày xưa khốn khó, có mấy khi được la cà hàng quán mà thưởng thức các món ngon. Trong ký ức tôi vẫn còn đậm dấu ấn mùi hương bánh bao và xe phở rong thơm nức mũi - những chiếc xe mới đẩy từ đầu con phố mà hương đã tỏa bay đến tận cuối đường. Sau này tôi không bao giờ tìm lại được chiếc bánh bao nào, tô phở nào lại có mùi hương quyến rũ như thế. Tôi cho rằng ngày xưa nó thơm vì không gian vắng lặng và thanh khiết, không xô bồ bụi bặm tấp nập người xe như bây giờ. Mà tôi cũng nghĩ rằng nó thơm như thế vì đó là ấn tượng của tuổi thơ. Cho nên, bạn đừng có chạnh lòng khi chồng bạn ăn món bạn nấu mà lại chép miệng bảo rằng mẹ anh ấy ngày xưa nấu món này ngon lắm. Ngay cả khi anh ấy vì tế nhị mà không nói ra, thì có khi anh ấy cũng nghĩ thế mà thôi. Bởi cái sự ngon miệng, đôi khi nó không nằm ở kỹ thuật chế biến cao siêu hay nguyên liệu đắt tiền, mà đơn giản chỉ là cái cảm giác thân thương và sự rung động của ký ức về những ngày xưa cũ. Dù bạn có thể nấu khéo như nhà hàng, nhưng bạn không thể đem lại những buổi chiều đi đá bóng về mồ hôi ướt đầm ngực áo, mò vào bếp bốc ít tóp mỡ, hoặc sà vào mâm cơm húp vội chén canh mồng tơi mát rượi đến tận tim. Hay như có lần tôi bảo rằng lâu rồi không ăn món thịt kho dừa, nhớ quá, anh xã cũng đi mua cùi dừa về kho với thịt. Chồng nấu khéo lắm, tôi ăn rất ngon miệng, mà sao vẫn thấy nhơ nhớ mâm cơm của mùa nước lũ, trời lạnh ngắt nhưng hương thịt kho dừa thật ấm áp nồng nàn, con gà nhà tôi tránh lũ bay vọt tận mái nhà rồi đẻ rơi trứng xuống mặt nước bồng bềnh bên những chiếc thuyền giấy anh em tôi vừa thả. Mà cây dừa ấy, nó mọc sừng sững ngay góc cổng nhà tôi. Tuổi thơ tôi là những buổi trưa hè thơ thẩn dưới bóng dừa mát rượi, chơi với mấy quả dừa non lăn lông lốc và nhặt những bông hoa dừa li ti xâu chuỗi.


Tôi đi đến đâu cũng cố lê la ăn cho được vài món đặc sản của người bản địa, dù không phải món nào cũng thấy ngon. Tôi cũng thích cái vị thanh tao trong các món ăn người Bắc, và cho dù đang ở Sài Gòn, tôi vẫn thích kiểu nấu nước dùng vị ngọt nhẹ, có chút chua dịu và rất thanh mát chứ không mê cái kiểu hầm cả tá xương cho thiệt là ngọt đậm như trong này. Có điều, như đã nói, tôi không phải là người quá khó tính trong ăn uống nên hầu như vùng miền nào cũng có nhiều món tôi mê. Ra Hà Nội, tôi lê la ăn bánh gối, chả cá Lã Vọng...; về Quảng Ninh lại ăn chả mực Hạ Long hay hải sản Vân Đồn. Miền Trung thương nhớ là một loạt món ăn ngon trải dài khắp dải eo giữa hai miền đất nước, vừa có hương vị mặn mòi xứ sở, có cái tinh hoa của ẩm thực cố đô, có những món hải sản tươi ngon bên các vùng biển xanh cát trắng.


Ra nước ngoài, tôi cũng thích tìm hiểu các món ăn truyền thống của nước đó, và nói chung tôi đều thấy ngon, dù không phải món nào cũng đúng gu. Món ăn Trung Quốc khá nhiều dầu mỡ, nhiều hơn các món Hoa ở Sài Gòn. Vịt quay Bắc Kinh trứ danh tôi cũng thử, nhưng thực ra món mà tôi thích nhất ở Trung Quốc là lẩu Bắc Kinh. Tôi khá là thích đồ Tây, cụ thể là các món vùng Địa Trung Hải như Ý, Pháp... Sang Nga, trời lành lạnh nhưng không ngày nào là tôi không ăn kem. Phải nói là kem Nga rất ngon, đến những chiếc nhà kem di động trên vỉa hè cũng xinh đẹp nữa. Khoai tây nướng trong lò thơm hương vị rất đặc trưng, và món salad thần thánh không phải ai cũng ăn được nhưng tôi rất thích. Món ăn bản địa mà tôi không thích nhất có lẽ là các món của người Ả Rập đậm mùi cà ri, tuy vậy tôi vẫn ăn, cố cảm nhận thứ hương vị đặc trưng của những người Hồi giáo sau một buổi chiều rong ruổi xe địa hình trên sa mạc Safari, cưỡi lạc đà và ngắm hoàng hôn. Một điều nữa là ở UAE, tại hai tiểu vương quốc Abu Dhabi và Dubai, tôi đã có trải nghiệm nếm món ăn truyền thống ít thích nhất nhưng cũng được dùng bữa sáng ngon nhất tôi đã từng ăn, trong một khách sạn nhìn ra tòa tháp nghiêng nhất thế giới Capital Gate. UAE rất nhiều dân nhập cư từ các nước khác sang làm việc và cũng là đất nước du lịch nên nhà hàng nước nào cũng có.


Ăn ở Thượng Hải, Hàng Châu, Ô Trấn, Bắc Kinh - Trung Quốc
Ăn ở Nga - từ Moscow, St. Petersburg đến bữa barbecue ở miền quê Vladimir

Nhưng ăn uống không chỉ liên quan đến sở thích, nó còn bao gồm trách nhiệm nữa. Ăn có trách nhiệm là điều mà người phương Tây và đặc biệt là người Nhật rất chú trọng (cũng dễ hiểu vì sao Nhật Bản là dân tộc có tuổi thọ cao nhất thế giới). Ăn không phải là để chiều chuộng cái dạ dày một cách vô tôi vạ, mà chính chúng ta phải hiểu cơ thể mình cần gì để ăn uống cho phù hợp. Trước hết, thức ăn phải sạch. Sạch ở đây bao gồm 2 yếu tố: chế biến, chuẩn bị sạch (thường liên quan đến vấn đề vệ sinh khi thao tác và dùng dụng cụ) và quan trọng hơn là nguyên liệu sạch (không chỉ vệ sinh mà còn phải an toàn, sản phẩm thuần khiết không hóa chất). Tiếp theo, bữa ăn phải cân bằng dinh dưỡng. Tôi nhớ một chi tiết nhỏ trong câu chuyện "Tottochan, cô bé bên cửa sổ" mà tôi đọc những ngày còn bé, rằng thầy giáo đã dặn học trò bữa ăn đem theo đến trường phải đến từ đất và biển. Chỉ là một lời nói giản dị nhưng lại có hàm ý sâu xa. Bữa ăn của các em phải là sự phối hợp hài hòa giữa những món "trên rừng dưới biển", giữa thực vật và động vật, nói theo khoa học ngày nay là phải đủ 4 nhóm tinh bột, đạm, béo, vitamin & khoáng chất.


Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận chuyện ăn theo sở thích, bởi vì thích ăn ngon, ăn đẹp... cũng là một phần trong việc ăn uống có trách nhiệm - đó là trách nhiệm của bản thân đối với việc tận hưởng cuộc sống. Mỗi người sinh ra chỉ có một cuộc đời, thật đáng tiếc nhường nào khi chúng ta chỉ biết cuống cuồng trong cái vòng xoáy công việc, bếp núc, con cái và đủ thứ việc đối nội đối ngoại, mà quên mất rằng: một tách trà thơm buổi sáng ở ban công đầy hoa và chim hót thật tuyệt biết bao nhiêu, một chiếc bánh nóng cùng tờ tạp chí trên chiếc sofa trong một chiều mưa bay trắng mờ cửa sổ thật lãng mạn biết bao nhiêu, một ly sữa chua thanh mát cùng tiếng dương cầm sâu lắng thật dịu dàng biết bao nhiêu... Cho nên, thích ăn ngon không phải là cái tội.



Đã nói chuyện ăn, thì cũng phải nói cả chuyện nấu ăn.


Người ta bảo rằng nấu ăn là một nghệ thuật và người đầu bếp là một nghệ sĩ. Tôi thì cho rằng, nấu ăn là một môn khoa học - nghệ thuật và người đầu bếp là một nhà khoa học kiêm nghệ sĩ. Một món ăn đạt chuẩn phải hội đủ các yếu tố: SẠCH (cả về mặt vệ sinh khi chế biến lẫn sự an toàn của nguyên vật liệu), TỐT (dinh dưỡng phù hợp, cân bằng, tốt cho sức khỏe và sắc đẹp), NGON (hài hòa và hợp khẩu vị), và ĐẸP (trình bày gọn gàng, đẹp mắt, màu sắc hài hòa, đem lại cảm quan hấp dẫn). Hai yếu tố đầu là điều kiện "cần" cho một cuộc sống lành mạnh, hai yếu tố sau là điều kiện "đủ" cho một cuộc sống có chất lượng, đáng tận hưởng.



Vậy nên tuy không khó tính trong việc thưởng thức, nhưng tôi lại khá khó tính khi chọn lựa nguyên liệu. Nguyên liệu có sạch, có tốt, có hài hòa thì bữa ăn mới "healthy" được. Từ lúc các con ra đời, tôi đã đặt mua từ Mỹ, Canada, Nhật... nào là men sữa chua, đường nho để làm tàu hũ, viên rennet làm phô mai, mầm lúa mì cùng rất nhiều nguyên liệu khác.

Tiếp theo, nấu ăn phải có niềm vui. Tôi không ủng hộ phụ nữ vào bếp khi thấy mệt mỏi hoặc đơn giản là khi họ không muốn nấu. Món ăn ngon xuất phát từ cái tâm của người đầu bếp. Nếu tâm hồn thư thái, bạn sẽ chăm chút cho sản phẩm của mình. Nếu mệt mỏi chán nản, bạn sẽ làm đại khái qua loa cho có thứ mà nhét vào miệng. Đã chán nấu thì cũng chán ăn, thế thì cuộc sống làm sao mà nhẹ nhàng được. Nên tốt nhất, thích thì nấu, vui thì nấu, đừng cố ép buộc mình phải làm cái điều ngoài ý muốn. Hãy gọi đàn ông vào bếp hoặc đi nhà hàng, còn mình thì nghỉ ngơi và tận hưởng những giây phút vui vẻ. Cho nên, tôi thích định nghĩa cái TÂM trong công việc không chỉ đơn thuần là khía cạnh đạo đức của người làm việc. Cái tâm đó còn là một niềm đam mê, sự yêu thích và chú tâm vào công việc. Đó còn là sự quan tâm và thái độ biết lắng nghe của người thực hiện với đối tượng được sử dụng. Đó còn là suy nghĩ tích cực về công việc và cuộc sống. Vậy nên khi bạn nấu cho bất kỳ ai khác, hãy nghĩ rằng mình làm vậy trước hết vì đó là một công việc yêu thích, và cũng là một phần tận hưởng cuộc sống. Không ai có thể bắt bạn làm điều mà bạn thấy chán ghét, chỉ có bạn mới điều khiển được cảm giác của mình thôi.


Và tôi rất thích câu slogan của Sunsilk: "Sống là không chờ đợi!"



138 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page