top of page
Writer's pictureAthena

Tạo tranh từ Midjourney

Trước khi đi sâu vào việc tạo tranh bằng trí tuệ nhân tạo, cụ thể là Midjourney, mời các bạn xem một số hình ảnh đẹp do bot này tạo ra nhé. Bạn có nghĩ những bức hình này là sản phẩm của A.I (artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo) không? Ở đây, chúng ta không hề thấy sự khô cứng của một cỗ máy, mà là những hình ảnh nuột nà, ấn tượng và đầy biểu cảm.



Bây giờ mình sẽ đi vào trọng tâm bài viết nhé.


Trong thời gian qua, rất nhiều bạn hỏi mình về những tranh ảnh do AI tạo ra mà mình vẫn đăng lên Facebook, nên hôm nay mình viết bài chia sẻ cụ thể. Thực ra thì có rất nhiều bot AI tạo tranh từ văn bản, tùy theo nhu cầu mà chọn lựa bot phù hợp. Với mình thì mình chọn 2 bot của Discord là Bluewillow và Midjourney phục vụ cho việc sản xuất nội dung và giải trí. Nếu như Bluewillow miễn phí thì nhìn chung Midjourney có tính phí, chỉ cho bạn dùng thử miễn phí một số lượng nhất định. Tuy nhiên, so sánh giữa 2 bot này thì mình vẫn thích Midjourney hơn về độ chân thực trong cách thể hiện, sự đa dạng trong kết cấu ảnh và tính sáng tạo khi đề xuất ý tưởng. Trong bài viết này mình sẽ nói rõ hơn về việc tạo tranh từ Midjourney.


Midjourney là gì?


Midjourney là một con bot sản xuất hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo dựa trên văn bản, có nghĩa là bạn chỉ cần đưa ra lời yêu cầu thì Midjourney sẽ tạo cho bạn bức tranh đẹp. Lời yêu cầu của bạn càng chi tiết thì bức tranh càng sát với mong muốn của bạn. Chẳng hạn, bạn yêu cầu tạo một bức tranh con mèo, đây là một lời yêu cầu rất chung chung, và Midjourney sẽ đưa ra cho bạn 4 đề xuất về một con mèo nào đó, rất có thể là một con mèo đẹp, nhưng chưa chắc đã phù hợp cho đúng mục đích sử dụng của bạn. Nhưng nếu bạn yêu cầu cụ thể hơn, ví dụ tranh hoạt hình dành cho trẻ em, mô phỏng con mèo con đáng yêu có lông màu trắng đang đi câu cá bên dòng sông, trời xanh mây trắng và hoa lá hai bên đường, hình ảnh chất lượng 4K... thì bức tranh sẽ đúng ý bạn hơn. Nên nhớ Midjourney có tính phí và ngay cả bản dùng thử thì bạn cũng chỉ được dùng tối đa 25 lần thôi, nên cần hạn chế phung phí các lời yêu cầu. Điều này khác với bluewillow là miễn phí nên bạn muốn tạo tranh bao nhiêu lần cũng được, tới ưng ý thì thôi.


Cách sử dụng Midjourney


Đầu tiên, bạn vào trang web https://www.midjourney.com/, vào mục Sign in và nhấn vào "Đăng ký" để mở một tài khoản. Bạn có thể dùng email của bạn, sau khi bạn tạo thành công tài khoản với tên đăng nhập và mật khẩu bạn chọn, hệ thống sẽ gửi email yêu cầu xác nhận, bạn phải xác nhận xong mới sử dụng được nhé. Trong lần truy cập đầu tiên thì hệ thống sẽ yêu cầu bạn trả lời captcha để xác nhận là người chứ không phải máy bằng cách chọn các hình ảnh yêu cầu. Xong xuôi thì bạn có thể đăng ký gói trả phí hoặc gói miễn phí (dùng thử).


Về gói trả phí thì Midjourney khá đắt đỏ (tất nhiên là tiền nào của nấy thôi), cụ thể là gói cơ bản $8/tháng, gói tiêu chuẩn $24/tháng và gói chuyên nghiệp $48/tháng. Mấy gói này thu nguyên năm, nghĩa là bạn phải mua nguyên cả năm chứ không được tháng mua tháng không nhé. Đối với những người có nhu cầu dùng Midjourney để phục vụ công việc thì họ sẽ mua, vì nói thật là Midjourney vẽ rất đẹp, như họa sĩ chuyên nghiệp luôn mà lại nhanh và theo ý mình, tính ra giá thành vô cùng rẻ so với việc thuê vẽ, chụp ảnh hoặc thiết kế.


Tuy nhiên, đối với các bạn chỉ có nhu cầu giải trí, hoặc sử dụng cho công việc với tần suất thấp, thì họ sẽ chọn giải pháp dùng miễn phí hoặc để chuyên nghiệp hơn là họ thuê người có mua tài khoản của Midjourney thực hiện cho họ. Nói đơn giản như vậy đi, bạn có nhu cầu thiết kế ảnh thực đơn cho nhà hàng của bạn, hay tạo một bức tranh đẹp đúng ý bạn để làm album kỷ niệm, hoặc tạo các hình ảnh để minh họa cho một số chương trình bán hàng...; những nhu cầu này là không thường xuyên nên việc bạn phải trả cho gói thấp nhất là $96/năm (khoảng 2,3tr đồng) thì quá lãng phí, chưa kể lại phải học cách sử dụng; mà nếu dùng gói miễn phí thì bị giới hạn một số tính năng cũng như do bạn không quen sử dụng nên thiếu hiệu quả, vậy là bạn thuê người tạo ảnh AI chuyên nghiệp với chi phí khoảng 100.000 - 150.000đ cho một lần tạo, rẻ hơn bạn đi thuê thiết kế bên ngoài (thường mất 3-5tr mà họ cũng chỉ thực hiện tối đa 3 lần).


Đối với tài khoản miễn phí, mình nghĩ nó phù hợp với những bạn muốn tìm tòi Midjourney để thỉnh thoảng giải trí cho vui, hoặc những bạn có ý định sử dụng lâu dài nhưng trước mắt phải dùng thử cái đã. Yeah, mình luôn khuyên các bạn dùng thử trước khi mua gói chính thức. Như mình là mình cũng xài hết gói dùng thử rồi mới mua. Tuy nhiên, với gói dùng thử bạn chỉ dùng được 25 lần thôi nhé, hết số này một là phải mua hai là nghỉ xài. Bạn đừng tính chuyện mở tài khoản khác xài miễn phí tiếp vì Midjourney truy vết khôn lắm và trừ khi bạn sắm máy tính khác cùng mạng wifi khác thì may ra lách được.


Bây giờ, bạn đã có tài khoản, trước hết bạn dùng thử bản miễn phí xem có ưng cái bụng không nha. Mình có làm video để các bạn xem các bước thực hiện:


- Đăng nhập tài khoản và vào trang chính Midjourney


- Vào join the beta sau đó accept invite => hệ thống chuyển bạn đến trang sử dụng cộng đồng, tại đây bạn chọn 1 newbies tức là phòng thiết kế dành cho người mới tham gia nhé. Bạn chọn phòng số mấy cũng được hết. Bạn sẽ thấy rất nhiều người cũng đang yêu cầu tạo tranh trong đó. Kệ họ thôi, bạn gõ lệnh image prompt theo hướng dẫn của mình trong video rồi enter nhé (bắt đầu bằng dấu /)



Sau khi gõ xong thì bạn chờ một chút, trong vòng 1 phút Midjourney sẽ đưa ra cho bạn 4 đề xuất. Ví dụ đây là một trong những kết quả được tạo ra:

Bây giờ bạn quan sát nhé, dưới 4 đề xuất là U1-U2-U3-U4 và V1-V2-V3-V4 cùng biểu tượng refresh (làm lại) bên phải chữ U4. Các chữ ấy có ý nghĩa gì?


Các con số 1-2-3-4 tương ứng với từng bức ảnh từ trái qua phải và từ trên xuống dưới. U là viết tắt của từ Upscale (phóng to), nghĩa là nếu bạn chọn hình ảnh nào bạn sẽ phóng to nó lên để lưu về máy với kích thước lớn. V là viết tắt của từ Variation (biến thể), nghĩa là nếu bạn thấy hình ảnh nào đó tương đối phù hợp thì bạn sẽ tạo ra các hình ảnh mới dựa trên hình ảnh đã chọn. Nếu bạn không thích bức nào cả, bạn có thể nhấp vào biểu tượng Refresh để Midjourney làm lại cho bạn; hoặc bạn cũng có thể đặt lệnh mới nếu thấy lời yêu cầu của mình chưa đủ chi tiết.


Ví dụ: trong 4 đề xuất trên, mình muốn lấy ảnh lớn của hình số 2 và tạo các hình ảnh khác dựa trên hình số 4, mình sẽ nhấp chuột vào U2 và V4 nhé. Cứ thích hình nào thì bạn nhấn U2 rồi chọn open in browser để mở bức tranh đó cỡ lớn và lưu về máy thôi.


Do đây là bản dùng thử miễn phí nên bạn phải dùng chung một phòng tạo ảnh với những người khác, do đó bạn phải để ý quan sát khi nào thì có tranh của mình kẻo bị sót; và bạn chỉ được làm tối đa 25 lần nên hãy tiết kiệm các câu lệnh nhé (suy nghĩ kỹ trước khi yêu cầu xuất tranh). Đối với tài khoản có tính phí, bạn sẽ được mời vào phòng riêng, tha hồ tự do theo dõi và cũng không lo ai nhòm ngó tranh của bạn.


Làm sao để có được bức tranh phù hợp?

Như đã nói, muốn có được một bức tranh như ý, bạn phải đưa ra được lời yêu cầu chuẩn. Cái này thì phải học. Và một cách học đơn giản nhất, ai cũng làm được là vào Midjourney tìm kiếm những chủ đề yêu thích, chọn những bức tranh đẹp đã được những người dùng khác tạo ra và xem họ viết lời yêu cầu nào để tạo ra nó. Ví dụ đây là 4 đề xuất của Midjourney cho yêu cầu bức tranh về một bé mèo con đang chuẩn bị món ăn đãi tiệc: "The image is for kids. A cute little kitty is busy preparing food for a party. The weather is sunny outside."


Sau khi tham khảo các lời yêu cầu, bạn có thể tạo ra lời yêu cầu của riêng mình với mức độ chi tiết như vậy. Nên tạo lời yêu cầu chuẩn bằng tiếng Anh các bạn nhé. Vậy nếu bạn không biết tiếng Anh thì sao? Tất nhiên là bạn có thể vào Google translate để dịch yêu cầu của bạn ra, nhưng gợi ý của mình là bạn hãy dùng công cụ ChatGPT để viết lời yêu cầu cho bạn, bởi vì ChatGPT không đơn thuần là dịch word by word mà sẽ viết/dịch văn bản theo bối cảnh và mục đích sử dụng của bạn. VD bạn nhờ ChatGPT đưa ra lời yêu cầu phù hợp cho Midjourney để thiết kế thực đơn nhà hàng hải sản của bạn:

Các bạn thấy câu trả lời của ChatGPT không đơn thuần là dịch nội dung của bạn ra mà còn thay bạn đề xuất các chi tiết để Midjourney sáng tạo cho phù hợp. Bạn có thể dựa trên đề xuất đó để điều chỉnh lại cho hợp với ý mình hoặc đơn giản là copy & paste nếu đã thấy ổn. Về ChatGPT thì mình có sách hướng dẫn chi tiết, các bạn có thể tham khảo vì đây là công cụ rất hữu ích cho công việc và mọi mặt của đời sống: https://dangky.center/


Bạn học hỏi và thực hành càng nhiều thì xác suất có được tranh đẹp càng cao, đó cũng là lý do mà những người không chuyên họ thuê người khác làm luôn cho nhanh. Tuy nhiên nếu bạn thực sự thích tự làm lấy thì bạn nên có thái độ học hỏi nghiêm túc. Thực tế thì có nhiều chuyên gia AI đã bán các lời yêu cầu (prompt) dành cho Midjourney vì khách hàng không biết tạo ra câu lệnh chuẩn mực. Khai thác Midjourney hiệu quả cũng là một chủ đề rộng và đòi hỏi phải nghiên cứu, thử nghiệm nhiều nên các bạn chờ ebook của mình nhé.


Dùng Midjourney để làm gì?


Có thể bạn sẽ nói: tôi không làm công việc sản xuất nội dung hay nghệ thuật, tôi không có nhu cầu dùng đến tranh ảnh, vậy tôi chẳng cần quan tâm tới Midjourney làm gì cả.


Tất nhiên là tùy bạn thôi. Có hàng tá công việc khác phải quan tâm cũng như vô vàn sở thích khác. Ở đây, mình chỉ đề cập đến một số ứng dụng trong việc tạo tranh ảnh bằng AI mà có thể bạn cũng không nghĩ đến.


Bạn dùng Midjourney để phục vụ công việc của mình.


Là nhà thơ, nhà văn, nhà báo..., bạn có thể tạo tranh ảnh minh họa cho tác phẩm của mình. Ví dụ mỗi bài thơ cho trẻ con của mình mà đi thuê họa sĩ vẽ tranh hoạt hình thì cũng bộn tiền à, nhưng dùng AI thì chi phí không đáng là bao mà thành phẩm lại đẹp.


Bạn có thể tạo ảnh để thiết kế brochure, ấn phẩm quảng cáo, các áp phích, tranh treo tường hay những hình ảnh thông báo chuyên nghiệp...


Bạn cũng có thể tạo ảnh để hỗ trợ cho công việc thiết kế kiến trúc, nội thất, cảnh quan...


Tóm lại ứng dụng của Midjourney trong công việc vô cùng phong phú và đa dạng. Công việc ở đây cũng không nhất thiết là sản xuất nội dung hay hình ảnh chuyên nghiệp, đôi khi đó là một nhu cầu rất thông thường mà không có AI thì bạn phải đi thuê với chi phí đắt đỏ. Ví dụ bạn chuẩn bị mở nhà hàng và muốn tạo mẫu thực đơn, bạn có thể tham khảo lời yêu cầu sau của người dùng Tabasco_Brand (theo phong cách Victoria): "victorian style recipe site with food decorative border --s 750" và người dùng AmF (theo phong cách hiện đại hơn): "menu white empty background for grill restaurant, food decoration on up and down page, attractive colours, sellable, sunlight, , 8k resolution, --ar 2:3".


Bạn cũng có thể nhờ AI cung cấp cho bạn các ý tưởng ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, chăm sóc khách hàng hay phục vụ công tác giảng dạy, vân vân và mây mây.


Bạn dùng Midjourney để kiếm tiền.


Bạn hoàn toàn có thể khai thác Midjourney để kiếm tiền chân chính, kể cả khi bạn chỉ là một mẹ bỉm sữa. Vấn đề là bạn phải có thái độ tích cực, mục đích hợp lý và tinh thần học hỏi. Có cả trăm ý tưởng kiếm tiền từ Midjourney và thậm chí còn nhiều hơn thế, vấn đề này mình sẽ trình bày chi tiết trong ebook vì không thể gói gọn trong một bài viết được.


Tóm lại, hãy nhớ rằng bạn có thể khai thác Midjourney từ những chuyện nhỏ như thiết kế áo phông, sticker, cốc uống nước đến những thứ to tát hơn như ảnh và video tùy chỉnh để bán cho các doanh nghiệp. Bạn có thể kết hợp với ChatGPT để tăng khả năng đề xuất ý tưởng.


Bạn dùng Midjourney để giải trí.


Dĩ nhiên rồi, vào một ngày đẹp trời rảnh việc bạn có thể yêu cầu AI tạo cho bạn một bức tranh ngộ nghĩnh hoặc kỳ quái nhất mà bạn không thể chụp ảnh ngoài đời thực, như cảnh bạn khoác vai một con ma cùng đi dạo trên mái nhà hay cảnh một con chim cánh cụt biết bay đang chở bạn qua biển. Bạn có thể lấy ảnh mình nhờ AI mô phỏng lại với một hành động ngộ nghĩnh nào đó ví dụ bạn đang bắt tay một con sư tử. Làm xong những thứ "nhảm nhí" như vậy bạn có thể đăng "phây" kiếm nghìn like.



Các chủ đề để ứng dụng Midjourney trong giải trí rất phong phú và đa dạng, tùy khả năng tưởng tượng của bạn.


Bạn dùng Midhourney để nâng cao chất lượng cuộc sống.


Bạn yêu thích làm vườn nhưng bạn không biết bố trí khu vườn của mình sao cho đẹp mắt, có sao đâu, bạn hãy yêu cầu Midjourney tạo ra hình ảnh khu vườn đẹp dựa trên các loại cây mà bạn đang trồng rồi bắt chước làm theo đề xuất đó.


Hay mình đang có một số loại rau như dưa leo, cà chua, cà rốt, xà lách, đậu, rau thơm... và mình muốn tạo một dĩa salad hình con mèo vì con mình thích vậy, mình có thể nhờ AI tạo ra và bắt chước theo làm thôi.


Còn đây là dĩa salad xếp hình con cú đẹp xuất sắc do Midjourney tạo ra mà bạn hoàn toàn có thể nhìn vào đó để thể hiện ngoài đời thực. Giả sử bạn là chủ nhà hàng, hẳn là thực khách sẽ vô cùng ấn tượng khi bạn bày ra bàn một dĩa salad như vậy.



Tóm lại, Midjourney có thể làm cho cuộc sống của bạn thêm nhiều màu sắc và thú vị. Hãy tận hưởng tất cả những điều tốt đẹp mà bạn có thể nghĩ ra để nhờ AI nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn.


Bây giờ, mời các bạn xem một số hình ảnh đẹp do Midjourney tạo ra.


Tranh hoạt hình, rất đẹp và biểu cảm:


Tranh món ăn, đẹp như ảnh chụp:


Tranh gái đẹp, nhìn mê à nha:


Tranh thêu:


Tranh phong cảnh, có những bức được yêu cầu vẽ sơn dầu:


Tranh động vật:


Tranh ngộ nghĩnh, khác thường:


Và còn rất nhiều nữa. Khả năng sáng tác của AI là vô tận nên hãy học cách khai thác nó để phục vụ công việc và cuộc sống của mình.


Nếu các bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy ủng hộ mình bằng một like và lời comment nhé. Ngoài ra, các bài viết và album về AI nói chung và ChatGPT, Midjourney nói riêng cũng thường xuyên được cập nhật trên trang facebook và website cá nhân của mình. Mình có lập một nhóm trên facebook để các bạn cùng trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, chia sẻ cũng như thưởng thức các tác phẩm đẹp của Midjourney, các bạn có thể tham gia tại đây: https://www.facebook.com/groups/congdongmidjourney



Các bạn cần thêm thông tin gì có thể liên hệ với mình tại các kênh sau:

  • Website: tranbichnga.com

  • Facebook: facebook.com/tranbichngapage

  • Youtube: youtube.com/@tranbichngavlog

  • Instagram: instagram.com/bichnga_athena

  • Tiktok: tiktok.com/@tranbichnga.com

237 views0 comments

Comments


bottom of page