top of page
Writer's pictureAthena

Sài Gòn tháng 3

Updated: Mar 31, 2020

Sài Gòn bước vào những ngày cuối tháng 3 với chiến dịch 14 ngày vàng chống Covid của thành phố, bắt đầu từ 0h hôm nay: 28-3-2020. Người dân được khuyến cáo ở nhà, nếu cần thiết ra ngoài bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cơ sở dịch vụ bị đóng cửa và những vụ tụ tập trên 20 người cũng bị cấm. Học sinh nghỉ học từ lâu đã đành, không ít người lớn cũng chuyển sang chế độ làm việc tại nhà. Thành phố vắng lặng, nạn kẹt xe không còn.


Tôi bỗng nhớ một Sài Gòn tháng 3 hoa vàng trải thảm, cùng những nẻo đường ngập sắc hoa kèn hồng. Nếu hỏi tôi Sài Gòn lúc nào thơ mộng nhất, tôi sẽ trả lời: đó là Sài Gòn tháng 3.



Sài Gòn vốn dĩ không có vẻ đẹp của một nàng thơ. Có ai đó ví rằng Sài Gòn như một cô gái năng động mặc áo phông quần jeans với phong cách rất bụi, luôn cởi mở, nhiệt tình và nồng ấm. Sài Gòn đáng yêu chính vì sự nhộn nhịp và phóng khoáng ấy. Chơi Sài Gòn là phải quen với phố xá ồn ào, hàng quán đông vui. Ngay cả những ngày Tết, ở Sài Gòn vẫn không có cái kiểu phố phường vắng lặng. Nhà nhà đi chơi đường hoa, đi ăn tiệm, taxi xếp hàng đưa đón...


Cho nên, cái kiểu vắng vẻ ấy cứ khiến lòng người nhơ nhớ...


Sài Gòn tháng 3, tôi thích đi trên tuyến đường Điện Biên Phủ, thời điểm mà hoa kèn hồng nở rộ, xác hoa lả tả trên vỉa hè cuốn theo từng cơn gió. Osaka và lim xẹt cũng vàng rực các nẻo đường. Tôi cũng thích đi dọc dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hoa soi bóng nước, cỏ xanh trải thảm, những chiếc xe đạp dựng bên bờ kè như đợi chờ ai... Đó là lúc Sài Gòn trở nên duyên dáng và bình yên đến lạ.



Mà nói đến những dòng kênh là lòng tôi lại bồi hồi những xúc cảm của một thời tuổi trẻ. 22 năm trước, tôi tốt nghiệp đại học và làm phiên dịch cho một công ty tư vấn quốc tế của Mỹ. Dự án mà tôi tham gia lúc ấy là cải tạo hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây cũng là dự án môi trường đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ do World Bank tài trợ.


Mà dòng kênh hồi đó, phải nói là sánh đặc một màu đen huyễn hoặc và luôn bốc lên một thứ mùi khó tả. Những con đường ven kênh đầy nhà lụp xụp nhếch nhác đúng nghĩa ổ chuột. Tôi và các đồng nghiệp vẫn đùa: "con kênh đen đen..." Để rồi, khi dự án kết thúc, thành phố trải qua những cuộc "đại phẫu" với các tuyến đường đầy lô cốt khi xây dựng lại tuyến cống, hệ thống xử lý nước thải, cải tạo cảnh quan..., dòng kênh cũng sạch đẹp lên rất nhiều. Và tôi, dù đã trải qua nhiều nghề nghiệp khác, nhưng mỗi lần đi qua những dòng kênh thành phố, vẫn bồi hồi nhớ lại những năm tháng của tuổi thanh xuân tươi đẹp.



Những ngày này hẳn đã không còn không khí tươi vui của những chuyến la cà đường sách, uống cafe và ngắm màu nắng rất trong xuyên qua vòm lá, trong như nắng thủy tinh trong nhạc Trịnh Công Sơn, hoặc ngồi ăn kem McDonald's ngắm nhà thờ Đức Bà rồi tản bộ qua Bưu điện Thành phố. Có những tuyến đường phải đi bộ mới có thể cảm hết cái hồn của một Sài Gòn xưa và nay.



Mong những ngày ảm đạm này qua mau, thành phố hết sạch dịch bệnh để trả lại cho tôi một thành phố đầy "tình yêu và nỗi nhớ". Tôi viết lại những vần thơ tôi đã viết cho Sài Gòn từ hơn mười năm trước:


Sài Gòn ơi

Tôi yêu những con đường đầy gió

Mùa hạ về xao xác lá me bay

Yêu đôi mắt xoe tròn bỡ ngỡ

Của em thơ bên góc phố mỗi ngày.


Sài Gòn ơi

Tôi yêu buổi chiều phai vạt nắng

Rồi bất ngờ một thoáng mưa rơi

Tiếng dương cầm nhà ai sâu lắng

Níu bước chân trên xác lá tơi bời.


Sài Gòn ơi

Tôi yêu cánh hoa dầu phớt đỏ

Xoay giữa trời trong vũ khúc mong manh

Tôi tiễn bạn, đôi mắt đầy nỗi nhớ

Lắng vào tim một ký ức ngọt lành.


Sài Gòn ơi

Tôi yêu gốc me già

Có ai kia hò hẹn

Tuổi xuân thì tà áo trắng bay lên

Yêu ánh trăng loang trên dòng kênh

Chênh chao từng mảnh vỡ

Góc quán tự tình bỗng chốc quên tên.


Sài Gòn ơi

Tôi yêu đường Yersin

Hoa lim vàng nở rộ

Chợ Bến Thành đêm cũng lắm người qua

Những hàng gánh tha hương

Ngủ quên bên đường nhỏ

Ánh đèn vàng thao thức phố xa.


Tôi sẽ gọi giữa một trời lưu luyến

Mùa gió về nô nức đón Noel

Thành phố thức để cùng ai xao xuyến

Chút tâm tình cho phố nhỏ thân quen.

108 views0 comments

Comments


bottom of page