Bởi thuở xưa vẫn thường cùng bè bạn chạy xe về biển Thuận An qua đoạn đường có phá Tam Giang nên nơi đây còn vương vấn trong ký ức tôi nhiều lắm. Trên con đường ấy, phá Tam Giang mênh mông với những con sóng lăn tăn vỗ nhẹ hiện ra trong ánh nắng ban mai rất non - thứ nắng "thủy tinh" lẫn trong làn sương mờ buổi sớm khiến lòng thêm man mác. Chiều từ biển trở về, phá Tam Giang lại nhuộm ánh hoàng hôn thắm đỏ, sóng sánh như mật ong khiến lòng phiêu diêu. Phá Tam Giang là một vùng nước lợ trù phú với diện tích hơn 50km2, thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng gần 250km2 trải dọc tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ là vùng đầm phá tiêu biểu của Việt Nam mà còn là vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Tam Giang có nghĩa là ba sông, tức là nơi ba con sông đổ vào (sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu) và tiếp giáp với biển. Do đặc điểm địa hình, khí hậu và môi trường nước lợ tự nhiên mà thủy hải sản nuôi ở đây rất ngon. Tam Giang tuy là vùng đầm phá nhưng vẫn có sóng, bây giờ sóng khá hiền nhưng ngày xưa từng có những đợt sóng dữ vẫn được gọi là sóng thần nên có câu ca dao: "Đường vô xứ Huế quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh họa đồ Thương em anh cũng muốn vô Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang." Tương truyền rằng, trước đây truông nhà Hồ là một vùng đất bạt ngàn hiểm trở vốn là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, còn phá Tam Giang thì hay có "sóng thần". Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh, biết được nỗi lo sợ của dân chúng đã tìm cách dẹp yên. Một hôm ông cho xe chở lúa và hàng hóa qua truông, cài sẵn một người lính ngồi trong thùng xe chở lúa. Khi bị cướp, người lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ dấu lúa này mà ông đã lần ra sào huyệt của bọn cướp và cho quân bắt gọn. Dẹp xong cướp truông nhà Hồ, quan Nội tán lại tìm cách trị sóng thần phá Tam Giang. Một mặt ông sai người lặn xuống mở rộng cửa phá để trừ sóng dữ, mặt khác ông cho loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng chĩa ra phá, ra lệnh bắn ba phát lớn. Sau khi ba tiếng súng vang lên, khói bay mù mịt và một luồng nước đỏ như máu loang trên mặt phá. Nguyễn Khoa Đăng bảo với dân chúng là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Thực ra thì người của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước. Từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự. Nỗi lo sợ về truông nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn, nay được chắp thêm hai câu ghi nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng: "Phá Tam Giang ngày nay đã lặng Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên."
Chiều qua phá Tam Giang, nghe hương muối mằn mặn tan trong gió biển và nhìn ráng hoàng hôn đỏ rực một góc trời, thấy lòng bình yên lắm. Trập trùng trên mặt phá là những dãy hàng rào lưới, phía xa là hàng phi lao xanh rì vi vút gió. Nếu có thời gian, bạn ngủ một đêm trên phá, theo ghe đi câu mực, đánh cá, bắt tôm, sau đó nướng ăn tại trận thì không còn gì tuyệt bằng. Hải sản Tam Giang, đặc biệt là tôm cá, vốn ngon nổi tiếng. Con tôm phá Tam Giang cũng làm nên nhiều đặc sản đi khắp bốn phương trời. Ở đây còn có thứ ghẹ tí hon chỉ bằng vài ngón tay nhưng ngon ngọt đến "lặng cả người".
Lòng bỗng chợt vấn vương bài thơ của Mai Hữu Phước:
HOÀNG HÔN TRÊN PHÁ TAM GIANG
Một chiều lang thang trên phá Bên em hương tóc thơm lừng Mây trời dìu nhau qua núi Ta dìu nhau qua bâng khuâng Mênh mang mạn thuyền sóng vỗ Cánh chim tung trời về đâu? Bên tai thì thầm em hát Gió mang lời về muôn sau. Con còng lang thang góc biển Cho đời khoảng vắng bình yên Xin đừng biển Đông xe cát Ru tình qua giấc cô miên. Phá Tam Giang chiều ráng đỏ Màu hoàng hôn buông chơi vơi Liệu tình hôm nay tha thiết Mai sau còn tựa vai người.
Nguồn ảnh: tiengsonghuong.wordpress.com
Comments