"Đất rừng phương Nam" là cuốn tiểu thuyết mà mình rất say mê từ khi còn là một cô bé chưa đầy mười tuổi. Và ở cái tuổi chưa một lần được đặt chân đến miền Nam, những trang viết của Đoàn Giỏi đã dẫn dắt mình vào một thế giới hoang sơ kì vĩ của cảnh sông nước và đất rừng miền Tây Nam Bộ cũng như cái tình người ấm áp và sự chất phác của người dân nơi đây. Khi bản truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn lên sóng năm 1997, dù phim hay nhưng mình cũng đã có chút tiếc nuối vì phim chưa thể hiện được cảnh thiên nhiên ấn tượng từng được mô tả trong tiểu thuyết, và vì thế tên phim được rút gọn lại là "Đất phương Nam". Chính vì vậy, mình luôn mong mỏi có một bộ phim điện ảnh được đầu tư bài bản để tái hiện trọn khung cảnh của một "đất rừng phương Nam".
Khi phim "Đất rừng phương Nam" công chiếu, mình đã quyết định đi xem, dù trước đó cũng nghe rất nhiều ý kiến trái chiều, khen chê đủ cả. Nói thêm mình là người không chịu sự chi phối bởi các ý nghĩ cảm tính kiểu: ghét mấy trò marketing của phim đó nên không đi xem, ghét thằng cha nào đó trong phim nên không đi xem, bản truyền hình hay rồi nên không đi xem... Với mình, mình yêu thích một tác phẩm văn học nào đó và mong mỏi sẽ có một tác phẩm điện ảnh tốt thì mình đến rạp để trải nghiệm, thế thôi. Kể cả khi bộ phim đó không được như kỳ vọng, hoặc thậm chí nói toẹt ra là dở, thì mình cũng không hề tiếc số tiền và thời gian đã bỏ ra, vì ít nhất mình cũng đã có sự trải nghiệm - mà trải nghiệm như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cảm nhận của cá nhân. Nên với các loại hình nghệ thuật, kiểu như phim, sách, nhạc..., các ý kiến trái chiều chủ yếu để mình lắng nghe thêm nhiều luồng dư luận thôi, chứ đã định xem thì vẫn xem, không ảnh hưởng gì.
Còn bây giờ là cảm nhận của cá nhân mình về bộ phim "Đất rừng phương Nam" (bản điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng).
Audiovisual Experience: Sở dĩ mình đề cập đến trải nghiệm nghe nhìn đầu tiên vì công bằng mà nói đây là một điểm cộng của phim này. Đó cũng là sự khác biệt lớn giữa bản điện ảnh và bản truyền hình. Phần âm nhạc, âm thanh khá tốt, hình ảnh đẹp. Rất nhiều đại cảnh trong phim thể hiện được vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên, như sông nước miền Tây với nhiều động vật hoang dã và những cánh chim bay trên rừng tràm trà sư... Hình ảnh chợ nổi cũng như các cảnh sinh hoạt được thể hiện khá tốt, tuy rằng nó không được "cũ" cho lắm nhưng nói chung cũng sinh động và ấn tượng.
Cảnh bắn nhau, đánh nhau hơi nhiều, tuy nhiên cũng ổn, khá chân thật, không bị giả giả như nhiều phim khác.
Tóm lại phần nghe nhìn mình đánh giá 9/10 và chỉ riêng phần này cũng xứng đáng với 80.000đ tiền vé cùng hai tiếng đồng hồ đến rạp.
Plot & Deliver: Lẽ ra khi đánh giá một bộ phim hay cuốn tiểu thuyết thì hai yếu tố plot (tình tiết, cốt truyện) và deliver (thông điệp truyền tải) phải được tách ra và soi xét thật kĩ càng. Tuy nhiên trong bộ phim này mình gộp lại vì nói thật là mình không thấy ấn tượng cho lắm. Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi và bản truyền hình "Đất phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, nên nội dung có khác biệt so với nguyên tác. Quãng đời lưu lạc của bé An không phải là cuộc sống trong cái quán rượu của dì Tư Béo và ngôi nhà trong rừng của tía má thằng Cò; mà là những ngày bên tên trộm có nghĩa khí Út Lục Lâm và gánh mãi võ của ông Tiều. Cốt truyện và những nút thắt tạo cao trào (plot twist) không có gì đặc sắc. Màn cướp ngục của Út Lục Lâm và bé An hơi ảo. Mặc dù phim cũng có vài phân đoạn gây xúc động, đặc biệt là với khán giả nhí (các cảnh về tình cảm giữa con cái và cha mẹ), cùng một số phân cảnh khá hài hước, tuy nhiên chưa thực sự có chiều sâu, chưa chạm được vào nơi sâu thẳm của tâm hồn. Về phần này thì nguyên tác của nhà văn Đoàn Giỏi ấn tượng hơn nhiều. Mong là nếu bộ phim có làm phần 2 thì hãy khai thác kĩ hơn cuộc sống của An và Cò cùng những cảnh sinh hoạt đậm chất phương Nam. Thông điệp truyền tải cũng không quá mạnh mẽ như tiểu thuyết. Vì vậy, về phần Plot & Deliver cá nhân mình chấm 6/10 cho bộ phim này.
Character Development: Về phần xây dựng và phát triển nhân vật thì mình hơi chê ở chỗ vai bé An không quá nhiều đất diễn mà phần nào bị lấn lướt bởi vai Út Lục Lâm, tuy nhiên diễn xuất của các nhân vật chính và phụ khá tròn vai. Bé An có khuôn mặt và đôi mắt giàu biểu cảm. Ba diễn viên thể hiện tốt nhất theo mình là Huỳnh Hạo Khang (bé An), Tuấn Trần (Út Lục Lâm) và Băng Di (Tư Mắm). Tiếc cho nhân vật Cò trong phim này phụ quá là phụ trong khi các phân cảnh của An và Cò trong tiểu thuyết mình lại rất thích. Dì Tư Béo, lão Ba Ngù, anh Sáu tuyên truyền và tía má thằng Cò (ba mẹ nuôi của An) là những nhân vật rất đặc sắc trong tiểu thuyết cũng không có đất diễn trong phim này luôn. Về phần phát triển nhân vật mình chấm 7/10.
Personal Experience & Media: Phải nói là trải nghiệm cá nhân và truyền thông đóng vai trò khá lớn trong bài review một tác phẩm nghệ thuật. Trước hết, nói về trải nghiệm cá nhân thì mỗi người đều có những cảm nhận rất khác biệt, và ngay cả với từng người thì cảm nhận mỗi giai đoạn, thời điểm là mỗi khác. Trên tủ sách của mình, nếu như những cuốn tài liệu tham khảo có thể bỏ đi và thay thế theo thời gian khi kiến thức mới đã được cập nhật, thì với các sách văn học mình luôn giữ lại để đọc nhiều lần, và mỗi lần lại có một cảm nhận khác. Cũng như bạn đi du lịch, cũng một vùng đất đó nhưng sẽ đem lại cho bạn những cảm xúc khác nhau khi bạn đi vào thời niên thiếu cùng bố mẹ, vào tuổi thanh xuân bên người yêu dấu hay lúc về già để nhìn lại cảnh xưa...
Với bộ phim này, nhìn tổng thể mình đánh giá là một bộ phim khá, đạt khoảng 7,5/10. Mặc dù cũng có một số lùm xùm, nhưng nhìn chung cũng là một bộ phim đáng xem và nên cho con trẻ trải nghiệm để biết về cuộc sống một thời và các cảnh đẹp của đất nước. Giá vé 80.000đ thì cũng như một buổi đi uống cà phê quán đẹp thôi. Với cá nhân mình thì việc chi 100-200k để mua một cuốn sách hay xem một bộ phim, kể cả chỉ là thử chứ cũng không chắc có hay theo ý mình hay không, vẫn là điều nên làm. Tuy nhiên mình cũng hiểu là không phải ai cũng như vậy, vì có những người họ không thích xem phim, hoặc trong nhà có thể có cái tủ rượu hoành tráng nhưng lại không có lấy một kệ sách nhỏ..., thì việc xem phim đọc sách với họ là gượng ép, chẳng có hứng thú gì.
Truyền thông là một yếu tố ngoại lai nhưng ảnh hưởng khá lớn đến cảm nhận của khán giả, và thậm chí với những người dễ bị cảm tính chi phối thì truyền thông có thể tác động hiệu quả hoặc hiệu ứng ngược - kiểu không cần biết phim hay dở thế nào nhưng thấy cái mặt của "Tổ lệ" là tui hổng xem, trong khi thực tế bộ phim là sự nỗ lực của cả một ê-kíp chứ riêng gì Tổ lệ.
Nói về nhân vật bác Ba Phi của Trấn Thành trong phim này, thì cá nhân mình thấy không xuất sắc nhưng cũng không tệ, nói chung là ổn. Trấn Thành diễn ra được cái sự hài hước chất phác của dân Nam Bộ, tuy hơi trẻ xíu nhưng mình thấy không ảnh hưởng gì. Chẳng việc gì phải mặc định rằng bác Ba Phi phải già chứ không được trẻ, ủa chứ ổng đã hài đã nổ từ trẻ rồi thì sao. Bộ râu của Ba Phi đúng là hơi hẻo thiệt, lẽ ra nên đầu tư bộ râu xịn hơn xíu, phim tận 40 tỉ lận mà. Còn thì các bạn anti Trấn Thành cũng phải thông cảm tí. Trấn Thành cũng bỏ tiền làm phim, cho cậu ấy cái vai nhỏ xíu trong phim cũng đâu có gì mà căng. Hơn nữa nhà sản xuất phim cũng thừa biết bên cạnh các anti thì Trấn Thành cũng có một lượng fan hùng hậu đảm bảo nguồn doanh thu tốt. Ôi, làm phim nó mệt mỏi lắm các bạn ạ. Đâu phải chỉ là làm ra một tác phẩm nghệ thuật cho các bạn vào rạp ngồi máy lạnh ăn bắp rang bơ và rung đùi thưởng thức rồi phán xét là xong, mà còn là một bài toán cân não làm sao thu tiền về để bù đắp cho khoản đầu tư khủng cũng như kiếm ra lợi nhuận. Nhà sản xuất phim họ cũng làm kinh tế, chứ không thì sống bằng gì. Cho nên mọi phương án PR và kể cả chiêu trò truyền thông họ đều phải tính đến.
Lan man một chút. Mình cũng từng có kinh nghiệm tham gia vào mảng sản xuất nội dung báo chí và truyền hình, thì nói thật trong vai trò tác giả, cá nhân mình luôn thích công việc của một nhà văn hơn nhà biên kịch. Vì sao ư? Khi sáng tác một tác phẩm văn học, tác giả có quyền viết theo ý họ thích, thỏa sức sáng tạo và thể hiện cá tính. Cái họ cần là viết ra một bản thảo chất lượng để chinh phục nhà xuất bản, và đừng có nội dung quá phản cảm, phản động... khiến sách không được phép in. Tất nhiên cũng sẽ có một số khúc mắc ở khâu in ấn và trình bày để đảm bảo sách không bị lỗ nhưng nhìn chung trong vai trò sáng tác thì tác giả vẫn nắm quyền chủ động cao nhất. Còn viết kịch bản thì mệt mỏi à nha. Kịch bản hay là một chuyện mà cái chuyện lớn hơn là phải làm vừa lòng nhà đầu tư, chứ gì nữa, người ta bỏ tiền ra làm phim mà. Chưa hết, nội dung thì cũng đừng phức tạp quá kẻo khó đóng lắm, rồi cảnh tém tém lại chứ không sao mà quay (nhất là bản truyền hình). Này nữa mới khó đỡ: cảnh này phải nhét thêm tí quảng cáo của nhà tài trợ vào sao cho nó mượt và không phô. Cho nên viết kịch bản thì cũng đừng có mơ tưởng lắm đến việc sáng tạo và thể hiện cá tính tác giả làm gì, phần nào thôi, còn thì phải chiều chuộng thị hiếu khán giả và nhà sản xuất. Mệt mỏi lắm ấy!
À, cũng bàn thêm về vụ lùm xùm "Nghĩa hòa đoàn" và "Thiên địa hội". Thực ra thì đây cũng là yếu tố nhạy cảm vì nó gây sự liên tưởng không phù hợp nên việc nhà làm phim đề xuất thay đổi cũng là hợp lý. Còn vấn đề "phim lịch sử mà không đúng lịch sử" như rất nhiều người comment nói thật mình thấy hơi buồn cười. Phim "Đất rừng phương Nam" là phim lịch sử hồi nào? Bản thân nguyên tác cũng là một tác phẩm văn học nghệ thuật, và bản truyền hình hay điện ảnh cũng chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà thôi. Tác phẩm có thể lấy thời điểm và bối cảnh nào đó trong lịch sử để hư cấu câu chuyện của mình, chứ có phải phim tài liệu hay sách sử đâu mà bảo phải đúng. Thử hỏi "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung có được bao nhiêu phần đúng sử?
Còn về những ý kiến trang phục chưa phù hợp với văn hóa vùng miền và bối cảnh thời đó, thì mình cũng đồng ý là một tác phẩm văn học hay điện ảnh, truyền hình... nên thể hiện được bản sắc của thời đại, và đó có lẽ cũng là một điểm trừ trong bộ phim này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần nhỏ, và không đến mức gọi là xuyên tạc hay bóp méo lịch sử như cộng đồng mạng đang đẩy lên cao trào.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Mình khá có thiện cảm với Dũng - một đạo diễn 7x như thế hệ của mình và được nuôi dưỡng trong môi trường văn học nghệ thuật nên mình tin là cũng có được khí chất của người làm nghệ thuật. Dũng là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cây bút Nam bộ đã chạm đến mạch cảm xúc của bao thế hệ học trò qua những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa như "Chiếc lược ngà" hay "Quán rượu người câm". Bác Sáng cũng tham gia viết kịch bản với những tác phẩm điện ảnh đã đi vào huyền thoại như "Mùa gió chướng" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên và "Cánh đồng hoang"... Dũng cũng có nhiều phim hay, kha khá giải thưởng, phải kể đến là các phim "Tháng năm rực rỡ" và "Tiệc trăng máu"... Dũng không chỉ là đạo diễn, còn là nhà biên kịch và nhà sản xuất phim. Các phim của Dũng nhìn chung là đều thắng lớn về doanh thu, nên mình cũng nhìn nhận Dũng là người làm phim giỏi và khá toàn diện trên nhiều mặt trận của phim ảnh.
Với phim "Đất rừng phương Nam" thì Dũng làm khá tốt ở khâu đạo diễn và sản xuất, trong bối cảnh phim Việt hiện nay là ổn. Mình mong rằng nếu có phần 2 thì "Đất rừng phương Nam" sẽ được cải thiện hơn ở phần tình tiết và nhân vật, bám sát hơn vào nguyên tác và điều này cần đến một người viết kịch bản chắc tay.
Tóm lại là đi xem đi các bạn, vừa để giải trí, vừa ủng hộ điện ảnh nước nhà.
Comments