top of page
Writer's pictureAthena

Một số trích đoạn "Đường chúng ta đi"

Lướt một vài trích đoạn để cùng đi trên "chuyến tàu thanh xuân" với các nhân vật nhé.



Nụ hôn đầu tiên (trang 32-34 "Đường chúng ta đi")

Phương vẫn xinh đẹp cả khi tức giận, Tùng thầm nghĩ. Đã sang tháng Ba, gió xuân mát mẻ dịu dàng và cả thành phố đầy sắc hoa. Tùng nắm tay Phương dẫn đến chiếc ghế đá dưới gốc cây ban trắng.

- Phương, nghe Tùng nói. Tùng sẽ kể cho Phương nghe câu chuyện của Mai. Nhà Mai ở cạnh nhà Tùng, bố mẹ Mai cũng là bạn thân của bố mẹ Tùng, nhưng họ đã mất trong một tai nạn cách đây năm năm rồi. Bố mẹ Tùng luôn xem Mai như con cháu trong nhà, Tùng cũng quý mến cô bé như một người em gái. Tùng bảo sẽ che chở cho Mai suốt đời cũng giống như một người anh lo cho em thôi, Phương hiểu không? Tùng không bao giờ ngộ nhận đó là tình yêu. Còn với Phương, chẳng lẽ sau ba năm thân thiết bên nhau như vậy, Phương còn cần Tùng phải khẳng định cái gì nữa sao?

- Phương cần, ừ, Phương cần đấy. Phương cần một sự rõ ràng từ Tùng.

Những cánh hoa nhẹ nhàng rơi xuống đậu trên vai Phương. Tùng nhìn lên, hoa ban trắng đang nở rộ, phía sau là những vách núi đá vôi sừng sững giữa nền trời cao vời vợi.

Đôi mắt Phương mở to chờ đợi. Tùng xích sát vào người Phương. Khuôn mặt Phương đang ở bên Tùng thật gần. Rất khẽ, cậu đặt lên môi Phương một nụ hôn.

- Như thế đã đủ cho một câu trả lời chưa? - Tùng thì thầm.

Phương cảm động, lòng vẫn còn lâng lâng với nụ hôn đột ngột của Tùng. Phương cũng không thể ngờ anh bạn hiền lành đến lời yêu cũng không dám nói, lại có thể hôn Phương như vậy. Nhưng Phương vẫn nói:

- Chưa, chưa đủ!

- Thế Phương còn muốn gì nữa?

- Phương muốn Tùng ôm Phương, thật chặt!

- Tại đây và ngay lúc này?

- Đúng, Phương muốn Tùng ôm Phương giữa thế giới này.

Tùng mở rộng cánh tay ôm Phương vào lòng và cúi xuống hôn Phương một lần nữa.

Lần này thì Phương thật sự xúc động:

- Tùng, chỉ cần như thế này thôi, Phương cũng đã có quyết định cho mình rồi.

- Phương quyết định gì cơ?

Phương mỉm cười, không trả lời câu hỏi của Tùng. Rồi Phương nói:

- Phương rất thích cảm giác này, cái cảm giác được ngồi bên Tùng, được Tùng ôm và hôn, rất là ngọt ngào.

- Chỉ cần Phương thích, mỗi ngày Tùng hôn Phương cả chục lần cũng được.

- Thật không?

- Thật!

Tùng khẳng định và lại đặt lên môi Phương một nụ hôn. Tùng hôn Phương rất dịu dàng.

Với Mai, đó là kỷ niệm không thể nào quên (trang 49-50 "Đường chúng ta đi")

Một cái Tết nữa lại về. Năm nay, Tùng về thăm nhà sớm hơn thường lệ, khi mà Mai còn chưa đến lịch nghỉ Tết. Một buổi chiều, Mai đang đứng ở cổng trường như mọi khi để chờ bố Tùng đến đón thì thấy Tùng xuất hiện.

- Ôi anh Tùng, sao anh lại ở đây?

- Anh đến đón em mà. Anh muốn cùng em đi qua cây cầu Bãi Cháy.

Mai đã mười sáu tuổi, dễ thương và tươi tắn. Tùng chưa chở Mai về, còn cho Mai đi chơi một vòng rồi đi ăn sữa chua. Tùng bồi hồi nhớ một thời cũng cùng Phương đi chơi và ăn vặt sau giờ học như thế này. Nhưng hồi ấy, cảm giác ở bên Phương là một cảm giác khác, rất khác. Đã lâu lắm rồi Phương không trò chuyện cùng Tùng nữa. Tùng không trách Phương, nhưng trong lòng cũng cảm thấy buồn và chất chứa nỗi băn khoăn. Lẽ nào Phương đã quyết định không bao giờ trở về nữa?

Nhưng Tùng vẫn yêu Phương, vẫn chờ đợi Phương, đúng như Tùng đã nói - sẽ yêu Phương bằng cả thanh xuân của mình.

Hôm ấy là một ngày mùa đông rất lạnh. Gió mùa đông bắc tràn về khiến nhiệt độ giảm sâu, chỉ tầm mười độ. Những cây bàng mùa đông bắt đầu chuyển màu lá, xen lẫn giữa những mảng màu vàng cam và đỏ sẫm là một vài cây rụng lá sớm, đứng hiu quạnh giữa nền trời xám.

Tùng chạy xe qua cầu, sau lưng anh là Mai. Tùng bảo:

- Em ngồi sát vào, gió rét lắm đấy.

Nhưng Mai chỉ nghe tiếng gió phần phật bên tai.

- Anh nói gì cơ?

- Anh bảo em ngồi sát vào anh cho đỡ rét.

Mai ngồi áp sát vào lưng Tùng, cảm nhận một hơi ấm mạnh mẽ đang tỏa ra từ anh. Lòng Mai rung lên một cảm giác thầm kín, một cảm giác rất khó gọi tên.

Đi qua nỗi nhớ (trang 65-67 "Đường chúng ta đi")

Bây giờ đang là cuối thu. Những hàng ngô đồng chuyển màu lá vàng rực rỡ khắp con đường dọc sông Hoàng Phố, và đây đó ở các góc công viên, những cây ngân hạnh trút từng đợt lá như trải thảm vàng óng ánh trên vỉa hè. Phương nhớ những ngày thu ở Berkeley, lá cũng vàng như thế, thậm chí còn vàng hơn thế; nhớ khuôn viên đại học thơ mộng với những con đường lát gỗ mà cô vẫn thường thầm gọi tên anh mỗi lần bước chân qua.

Nếu nhà mình không gặp biến cố, thì bây giờ mình như thế nào nhỉ? Mình vẫn tiếp tục học ở Berkeley và nhận những bức thư của Tùng, và chẳng bao lâu nữa là mình tốt nghiệp. Mà nếu thế, không biết mình có vội về Việt Nam ngay không nhỉ?

“Con đường chúng ta đi không phải lúc nào cũng bằng phẳng” - Phương chợt nhớ đến lời Tùng.

- Nghĩ gì mà có vẻ buồn thế em? - Hoàng hỏi.

Hoàng là giám đốc công ty mà Phương đang làm việc, tức là sếp trực tiếp của cô. Hoàng gần bốn mươi tuổi, đã có vợ con, phong thái đàng hoàng lịch lãm. Vào làm việc mấy tháng, Hoàng cũng chưa có cử chỉ gì tỏ ra suồng sã hay quá lố với Phương. Vì thế, Phương vẫn tự tin đi công tác cùng Hoàng, bất chấp nỗi băn khoăn của Tùng.

- Em nhớ những ngày em còn học ở Mỹ, nhưng những ngày đó đã qua rồi. - Phương thở dài.

- Em tiếc lắm phải không? Có bao giờ em nghĩ mình có thể quay lại nơi đó không?

- Chắc là không anh ạ. Hoàn cảnh của em bây giờ không còn như mấy năm về trước nữa, mơ mộng mà làm gì. Ngày đó em đã định ở lại Việt Nam thi đại học, nhưng bạn trai em cứ bảo em đi vì không muốn cản trở tương lai của em. Giá mà ngày đó em kiên quyết ở lại thì có lẽ cuộc sống hôm nay bằng phẳng hơn rồi.

- Em yêu bạn trai em lắm phải không?

Phương lặng lẽ gật đầu.

- Anh ấy là một người rất tốt. Anh ấy giỏi giang và rất yêu em. Đôi khi em cũng hơi bực bội vì anh ấy khá quy tắc, nhưng em biết là anh ấy luôn nghĩ cho em.

Một Sài Gòn lãng mạn và nên thơ (trang 98-101 "Đường chúng ta đi")

Bài hát mới hợp với khung cảnh làm sao. Tùng nhìn khuôn mặt Phương bỗng trở nên mơ màng. Sài Gòn mùa lá me bay có một cái gì đó rất thơ, khiến lòng người càng thêm xao xuyến. Tùng và Phương bước vào quán cà phê, ngồi ở chiếc bàn nhỏ kê dưới vòm me xanh. Đây đó xung quanh là các cặp sinh viên đang chụm đầu vào nhau, và vài người đứng tuổi đang vừa đọc báo vừa bàn tán chuyện thời sự bên ly cà phê đá.

- Em rất thích văn hóa đọc báo của người Sài Gòn. Các sạp báo được bày bán trên mọi nẻo đường, người dân thì vừa ăn sáng, uống cà phê vừa đọc báo và nói chuyện. Cả mấy bác xe ôm cũng đọc báo trong lúc ngồi đợi khách, nhiều cụ già đọc báo trong công viên nữa. Nhìn cái kiểu họ đọc báo mà thấy thành phố thật năng động, đầy hơi thở cuộc sống anh ạ. - Phương nói.

Tùng mỉm cười. Sài Gòn xô bồ náo nhiệt, nhưng Sài Gòn cũng có những góc tĩnh lặng rất thơ. Và người Sài Gòn thích đọc báo, đúng như Phương nói, họ còn rất hồn hậu, nhiệt tình và cởi mở. Tùng nhớ những ngày đầu nhập học, mọi thứ còn bỡ ngỡ, đi đâu cũng phải có sẵn tấm bản đồ trên tay để dò đường, nhưng đến bất cứ con hẻm nào cũng có những bảng chỉ dẫn tự phát của người dân, hết sức rõ ràng và giản dị. Có những người chỉ đường giúp xong lại còn tận tình chạy xe theo để xem người hỏi đi có đúng đường không. Các bà, các chị bán hàng thì giọng ngọt như đường, luôn miệng cảm ơn. Có ai đó ví Sài Gòn như một cô gái mặc áo phông quần jeans với phong cách rất bụi nhưng lại toát lên vẻ đẹp tươi vui và khỏe khoắn. Năm năm học ở thành phố này, Tùng càng thêm yêu mảnh đất ấm áp và những con người hào sảng, phóng khoáng nơi đây.

Còn Phương thì nhớ cái ngày đầu tiên từ Mỹ trở về Sài Gòn. Lúc ấy Phương thấy tương lai mờ mịt lắm, mờ mịt như cái màn đêm thăm thẳm chỉ le lói chút ánh đèn đường băng khi máy bay hạ cánh lúc nửa đêm. Nhưng Tùng lại ở đó chờ Phương và chở Phương về trong phố đêm, đi dưới những ngọn đèn xuyên qua vòm cây lấp lánh sáng.

Và Phương cũng như Tùng, tuy chỉ mới ở Sài Gòn mấy năm nhưng Phương thực sự yêu mảnh đất này. Thành phố nhộn nhịp nhưng cũng không thiếu những con phố phải đi bộ mới cảm nhận được cái hồn của một Sài Gòn xưa và nay vừa sống động vừa thi vị. Tùng thì sẵn sàng chiều mọi sở thích của Phương, dù có chở Phương đi “tham quan” kênh nước đen thì cũng không quên cho cô về quán nhỏ ngồi ăn kem, ngắm màu nắng trong như thủy tinh của nhạc Trịnh và nghe những bản tình ca da diết. Chẳng biết tự bao giờ Phương cũng cảm thấy yêu công việc của mình, yêu dự án cải tạo môi trường làm sạch đẹp thành phố, những buổi khảo sát hiện trường và cả những tập tài liệu kỹ thuật mà trước đây cô vẫn bảo với Tùng là rất nhàm chán, khô khan.

Buổi chia tay ngày ấy, thật đẹp mà cũng thật buồn (trang 130-132 "Đường chúng ta đi")

Tùng sẽ đi Úc từ sau Tết ta. Anh tranh thủ về thăm bố mẹ ít ngày rồi quay lại Sài Gòn. Một buổi tối, Phương nhận được tin nhắn của Tùng: “Chiều mai anh bay đi Úc, sáng mai em có thể đến gặp anh lần cuối không, tại điểm hẹn của chúng ta?”.

Điểm hẹn của Tùng và Phương là quán cà phê lãng mạn bên dòng kênh mà hai người đã tham gia dự án cải tạo môi trường. Mấy cây kèn hồng được trồng ở chân cầu đã bắt đầu nở những bông hoa đầu tiên. Cái sắc hồng xao xuyến ấy làm một Sài Gòn ồn ào nhộn nhịp bỗng trở nên rất đỗi mơ màng.

“Khi nào dòng kênh trong xanh và sạch sẽ, em muốn ở đây có những chiếc thuyền nhỏ để đi chơi, như những chiếc Gondola ở Venice ấy anh nhỉ”. “Ừ, sau này mình có con, cả nhà cùng đi chơi thuyền trên kênh, và các con mình sẽ được nghe câu chuyện bố mẹ chúng đã tham gia làm sạch dòng kênh như thế nào, em nhỉ”.

Tùng ngồi lặng lẽ trong quán cà phê, nhớ lại những kỷ niệm tươi đẹp đã qua. Anh cũng không chắc là Phương có đến hay không, nhưng anh vẫn chờ.

Rồi Phương cũng đến, nhẹ nhàng ngồi xuống bên Tùng.

Mãi một lúc, Phương mới lên tiếng:

- Hình như em vẫn chưa kịp chúc mừng anh. Thôi hôm nay em bù nhé. Em chúc mừng anh đã thuận lợi đi tiếp con đường mà anh đã chọn.

- Cảm ơn em. Em ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Anh luôn cầu mong cho em hạnh phúc.

- Em chỉ muốn anh hiểu rằng đó không phải là bản chất của em.

- Ừ, anh hiểu mà. Bên em cả chục năm trời, sao anh lại không hiểu được điều đó.

Hai người bước ra con đường ven kênh nay đã sạch đẹp và đứng dưới cây kèn hồng nở hoa lác đác. Một thoáng im lặng, rồi Tùng nói:

- Anh có thể ôm hôn em được không, một lần cuối?

Phương lặng lẽ gật đầu. Tùng dang rộng cánh tay ôm Phương vào lòng và hôn Phương sâu lắng.

Tưởng như những nhành hoa kèn hồng trên cao là khung trời hoa ban bên vách núi của tuổi mười tám. Tùng như nghe văng vẳng bên tai những câu nói của ngày xưa. “Phương muốn Tùng ôm Phương, thật chặt!” “Tại đây và ngay lúc này?” “Đúng, Phương muốn Tùng ôm Phương giữa thế giới này”.

Ngày ấy, cách đây bảy năm, cũng trong một sáng mùa xuân tươi đẹp như thế này, Tùng đã trao Phương nụ hôn đầu tiên, còn bây giờ có lẽ là lần cuối.

- Thôi, Tùng đi Phương nhé.

Tùng đã thay đổi cách xưng hô. Phương hiểu anh đã dứt khoát, giữa hai người chỉ còn là tình bạn.

Và thế là Tùng đi.

When the Jacaranda are in bloom, the students are in gloom (trang 152-153 "Đường chúng ta đi)

Tháng Mười, UQ[1] đẹp đến ngỡ ngàng.

Cả thành phố vào xuân, nhưng riêng khuôn viên St Lucia vẫn mang một vẻ đẹp lãng mạn nhất. Mùa này, những cây Jacaranda[2] đồng loạt nở hoa, trời thì trong xanh đến lạ kỳ. Cái màu tím rực rỡ ấy càng thêm nổi bật bên màu vàng nâu của những tòa nhà sa thạch.

Đây là mùa xuân đầu tiên của Tùng trên nước Úc, còn với Mai đó đã là mùa xuân thứ ba.

Ở UQ, mùa phượng tím cũng là mùa thi. Giới trẻ UQ vẫn thường truyền tai nhau câu nói: “khi phượng tím nở hoa thì sinh viên buồn hiu hắt”, và có một niềm tin mê tín rằng nếu đang đi thi mà bị hoa rơi trúng đầu thì kiểu gì cũng thi trượt, nhưng nếu nhìn thấy và bắt được bông hoa ấy thì lại cực kỳ may mắn. Dẫu vậy, kỳ thi khắc nghiệt không cản được những bước chân và những vòng xe khắp các nẻo đường trong St Lucia.

Không gian cũng trở nên tươi vui trong cái sắc xuân yêu kiều ấy. Chim hót líu lo trên cành, và mầm xuân vươn lên từ những bụi cây bên hồ nước. Đây đó những con ngỗng trắng đủng đỉnh dạo chơi làm khung cảnh càng thêm thi vị. Sinh viên tụ tập rất đông trên các bãi cỏ xanh mướt, ở góc cà phê ngoài trời có những bộ bàn ghế trắng và cắm cây dù nhiều màu sắc cũng như trên những con đường nhỏ quanh hồ.

Đi giữa UQ những ngày xuân ấy, nhìn lên là một vòm hoa tím biếc giữa bầu trời xanh thẳm, nhìn xuống là những xác hoa phủ đầy trên cỏ, rơi trên những chiếc xe đạp dựng dưới gốc cây, xao xuyến cả một góc hồ.


[1] UQ (University of Queensland): Đại học Queensland.

[2] Jacaranda: cây phượng tím - loài hoa rất phổ biến ở Úc, thường nở vào mùa xuân khoảng từ tháng 9 đến tháng 11.

Mình là của nhau, em nhé? (trang 162-167 "Đường chúng ta đi")

Lại một mùa đông nữa đến - mùa đông thứ hai của Tùng ở xứ sở chuột túi. Năm nay Tùng và Mai chẳng đi núi trượt tuyết hay lê la khắp xứ “Mèo buồn” như năm ngoái. Họ ở lại Brisbane tận hưởng sự ấm áp của mùa đông.

Queensland bắt đầu vào mùa dâu, khiến tiểu bang nắng ấm khoác lên mình một vẻ đẹp rực rỡ: trời thì xanh vời vợi, nắng chan hòa khắp các nẻo đường, dâu đỏ mọng trong trang trại và các sắc màu tươi vui ngập tràn phố xá.

Tùng rủ Mai đi Rolin Farm hái dâu. Con đường gần bảy mươi cây số chạy qua những rừng thông rất đẹp, làm cả hai lại nhớ về thời thơ ấu êm đềm với những buổi dạo chơi trên đồi thông. Hôm ấy là một ngày se lạnh trong cái nắng vàng óng ả như mật ong, và những vườn dâu trải dài tít tắp như kéo ra tận mảng trời xanh biếc bồng bềnh mây trắng. Tùng ngắm nhìn Mai xinh tươi trong chiếc áo đỏ và làn da bắt nắng thêm hồng, thấy mùa đông thật ngọt ngào và ấm áp. Hai người vui chơi và hái thật nhiều dâu rồi trở về căn phòng nhỏ của Mai, cùng nhau nhấm nháp những trái dâu mát lịm và ngắm bầu trời xanh ngoài cửa sổ.

Tùng trêu Mai:

- Sao cả năm rồi chưa thấy em hẹn hò lại với anh chàng nào nhỉ? Cứ tưởng theo chu kỳ sáu tháng thì em đã yêu được thêm hai anh nữa rồi chứ.

Mai cười:

- Trai nó thấy anh đi chơi với em suốt, ai mà thèm tán tỉnh nữa.

- Ô, thế hóa ra anh lại là vật cản đường khiến em ế ẩm cả năm nay à?

- Chứ gì nữa, nên anh xem thế nào, liệu mà có trách nhiệm với tuổi thanh xuân của em.

Cứ ngỡ Tùng sẽ tiếp tục phụ họa bằng một câu nói khôi hài, ai ngờ anh xích lại gần bên Mai nói cái giọng nửa đùa nửa thật:

- Thế bây giờ anh muốn “chịu trách nhiệm” thì em có đồng ý không?

Mai nhìn Tùng, đang suy nghĩ xem anh nói thế là có ý gì thì bắt gặp một ánh mắt da diết làm Mai bối rối.

Tùng lại nói, lần này rất đỗi dịu dàng:

- Được không em?

Mai nghe tim mình đập thình thịch. Cảm giác yêu thương từ một ngày rất xa chợt ùa về. Ngày ấy Mai nói với Tùng: “Sau này em cũng muốn có được một người như anh”.

Ngày ấy - cái ngày rất lâu rồi, khi trái tim thiếu nữ mới lớn của Mai bắt đầu xao động, Mai đã luôn nghĩ về anh, vui sướng khi nhận được sự quan tâm của anh, cảm thấy lòng thổn thức khi anh đi với một người con gái khác, và mơ hồ ngửi thấy sự mạnh mẽ ấm áp nam tính khi nép sát vào lưng anh lúc anh chở qua cầu.

Mai chẳng biết nói gì nữa. Mai không thể lý giải nổi cảm xúc của mình.

Tùng đã áp sát vào người Mai và hôn cô nồng nàn.

Đã rất lâu rồi Tùng mới hôn lại một người con gái khác. Lần này là Mai - ngọt ngào, say đắm và đầy yêu thương. Cái cảm xúc vừa thân thương vừa mới mẻ cứ dâng lên trong lòng khiến nụ hôn của Tùng kéo dài bất tận. Anh cảm nhận rất rõ sự mê đắm cùng những khao khát mãnh liệt đang lan tỏa khắp người. Mai cũng thấy mình tan chảy theo cùng nụ hôn bất tận đó.

Và Tùng nói lời yêu, nhưng Mai ngồi đó im lặng - không phải kiểu e thẹn bẽn lẽn mà đượm màu sắc ưu tư. Sự im lặng của Mai làm Tùng lúng túng. Mai không đón nhận tình cảm của anh ư?

Tùng lại định hôn Mai một lần nữa, nhưng lần này cô lùi lại.

- Em không yêu anh sao? - Tùng hỏi, thoáng chút thất vọng.

- Không phải thế. Em… em cũng yêu anh.

- Thế thì tại sao…?

Mãi một lúc, Mai mới đáp khẽ:

- Em không muốn mình là sự thay thế cho người nào cả, càng không muốn anh ngộ nhận một tình cảm khác là tình yêu.

Tùng điếng người.

- Em nghĩ thế thật sao?

- Em không biết. Em sợ… Em cảm thấy thiếu tự tin khi đón nhận tình yêu của anh. Em đã âm thầm yêu anh từ khi anh chỉ xem em là một người em gái. Nhưng chắc chắn em không bao giờ muốn mình chỉ là một chiếc bóng trong tình yêu.

Tùng cúi đầu lặng lẽ, không biết nói gì hơn.

Anh trở về căn phòng của mình, cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Kể từ mùa đông năm ngoái, tình cảm dành cho Mai cứ nhen nhóm dần lên trong anh, bắt đầu là cảm giác nhớ nhung khi không được gặp Mai mỗi ngày, đến sự thiết tha chỉ muốn tìm một dịp thuận tiện để ngỏ lời yêu. Tùng cảm nhận rất rõ cảm giác khao khát nơi anh khi có những lần đụng chạm vô tình, và sự xao xuyến bồi hồi cùng những ý nghĩ về Mai cứ luôn ập đến mỗi khi tâm trí anh rỗi rãi. Nhưng không ngờ Mai lại nghĩ như thế.

Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc kỳ nghỉ đông, Tùng lại xuất hiện ở phòng Mai. Anh nói:

- Đi thôi em. Chúng mình lại bay qua “Mèo buồn” rồi đi Mt Buller ngắm tuyết.

- Sao phải đi lại chỗ ấy? Chẳng lẽ cả nước Úc chỉ mỗi Mt Buller có tuyết!

- Vì anh muốn trải nghiệm lại một cảm giác cũ.

Lần này, hai người không lê la ở Melbourne nhiều nữa, chỉ xem pháo hoa tối thứ Sáu rồi ngay sáng mai đi Mt Buller.

Phòng trống vẫn còn nhiều, nhưng Tùng chủ động thuê lại căn phòng cũ.

- Có vẻ mùa đông năm nay rét hơn năm ngoái, mà anh cũng già thêm một tuổi nữa nên chắc là anh không nằm dưới sàn được đâu. - Tùng tuyên bố.

- Em thì không hứa có thể giữ gìn đời trai cho anh nữa đâu đấy, tùy anh thôi. - Mai cười.

Nói thế thôi chứ phòng bật máy sưởi cũng ấm. Năm nay hai người đúng nghĩa là đi ngắm tuyết chứ không phải trượt tuyết. Tùng và Mai ngồi trong phòng, ngắm những bông tuyết rơi đầy trời qua cửa kính.

- Mai này…

Mai mở to mắt nhìn Tùng chờ đợi.

- Anh đã từng xem em như em gái, nhưng cái cảm giác đó bây giờ không còn nữa. Anh đã tự hỏi ngàn lần liệu có phải mình đang ngộ nhận đó là tình yêu. Nhưng anh hiểu rõ cảm xúc của mình, Mai ạ. Có lẽ, chính vì em thân thuộc quá, nên cái suy nghĩ em là em gái mới là sự ngộ nhận của anh.

Những lời Tùng nói làm Mai không nén nổi cảm giác yêu thương đang trào dâng trong lòng. Anh đã ôm cô và thì thầm bên tai cô:

- Em là em. Em không phải là sự thay thế cho ai cả. Với anh, tình yêu ở mỗi thời điểm chỉ dành cho một người, trọn vẹn và duy nhất.

Tùng hôn Mai và không ngần ngại bày tỏ những cử chỉ nồng nàn mà anh vẫn hằng nén giữ trong tim, cảm nhận làn da mềm mại thơm tho ấy như đang nóng dần theo những đầu ngón tay anh. Trong anh bây giờ là sự khao khát cháy bỏng không thể cưỡng lại được. Những nụ hôn say đắm của Tùng được rải khắp thân thể của Mai. Mai run rẩy đón nhận sự ve vuốt của anh, những nụ hôn ngọt ngào của anh, cơ thể ấm áp của anh và cả sự hòa nhập đầy yêu thương đem đến cho cô cảm giác thăng hoa tuyệt vời nhất.

- Mình là của nhau, em nhé? - Tiếng Tùng thì thầm bên tai.

Còn có thể nói gì thêm được nữa ngoài việc đón nhận sự nồng nàn và mãnh liệt của anh?

Em đẹp nhất khi đang làm việc (trang 177-180 "Đường chúng ta đi")


Mai chuẩn bị vào phòng thí nghiệm thì bắt gặp Ha Jun cũng đang rảo bước trên hành lang. Cô chào anh vui vẻ.

Ha Jun hình như đã thôi cặp kè với Julia, không rõ đã quen ai khác chưa. Anh tiến đến đi song song bên Mai, nói nhỏ:

- Này, cái anh chàng kia là người yêu của em, vậy mà em bảo là anh hàng xóm.

- Trước là anh hàng xóm! - Mai nháy mắt cười tinh nghịch và bước đi, để lại Ha Jun nhìn theo ngơ ngác.

Mai vào phòng thí nghiệm, mặc áo blouse rồi đeo găng tay và khẩu trang. Dạo này ngoài giờ học cô còn làm trợ lý nghiên cứu cho giáo sư Jenkins.

Mai lấy ra hai ống nghiệm đã cấy vi khuẩn để qua đêm. Cô chuẩn bị hai chiếc bình thí nghiệm lớn có môi trường LB[1] và antibiotic rồi chiết một ít vi khuẩn gốc trong từng ống nghiệm cho vào mỗi bình, bọc màng nhôm lại và cho vào tủ ẩm, sau đó bắt tay vào các công việc khác. Một lát nữa cô sẽ tiến hành kết tủa ADN.

Căn phòng tĩnh lặng, nghe rõ cả tiếng lách cách nho nhỏ từ những thao tác của Mai. Cô say sưa làm việc với sự thuần thục và khoa học.

Vài tiếng đồng hồ trôi qua, Mai nghỉ tay định dùng chút cà phê. Cô chợt nhớ có lần Tùng nói: “Trông em như con khỉ con ấy, chả hiểu bộ dạng của em trong phòng lab thì thế nào nhỉ?”.

Mai mỉm cười, mượn chiếc máy li tâm làm điểm tựa rồi đặt điện thoại vào đó, chọn chế độ chụp hẹn giờ mười giây và chạy lại bên bàn thí nghiệm.

Hôm nay Tùng có buổi làm việc khá căng thẳng, mãi đến giờ trưa anh mới có chút rỗi rãi để lấy điện thoại ra xem và thấy tin nhắn ảnh của Mai. Trong chiếc áo blouse và giữa những thiết bị, vật dụng thí nghiệm vây quanh, Mai xinh đẹp lạ thường. Tùng bâng khuâng nhìn tấm ảnh, thấy lòng tràn đầy yêu thương. Anh chọn luôn làm ảnh nền điện thoại.

Buổi chiều, Mai có buổi hẹn với giáo sư Jenkins.

- Nếu em muốn tìm hiểu sâu về các sản phẩm spirulina và công nghệ chiết tách thì nên đến Darwin[2], ở đó có công ty rất lớn chuyên về mảng này. Tôi sẽ viết thư giới thiệu cho em. Có đề xuất của tôi thì em sẽ gặp thuận lợi hơn đấy, tất nhiên là em vẫn phải chứng tỏ năng lực của em.

- Vâng, em cảm ơn thầy. Em sẽ nỗ lực ạ.

Giáo sư Jenkins đăm chiêu nhìn Mai:

- Em không muốn làm nghiên cứu sinh sao? Tôi thấy em rất tiềm năng.

Mai ngập ngừng.

Nghiên cứu sinh ư? Đó đã là ước mơ, là dự định của Mai những ngày đầu đặt chân qua nước Úc. Nhưng giờ đây cô không còn cảm thấy thật khao khát điều đó nữa, dù cơ hội đang ở thật gần.

Rồi Mai nói, rất thành thật:

- Em cảm ơn thầy. Nếu có cơ hội sau này quay lại, nhất định em sẽ làm điều đó. Tại thời điểm này thì em đang muốn có những trải nghiệm thực tế trong công việc, với lại em cũng muốn… muốn có một đám cưới nữa ạ.

Giáo sư Jenkins mỉm cười thật tươi:

- Tốt, em rất thẳng thắn. Chúc em hạnh phúc!

Mai bâng khuâng đi trên con đường phượng tím. Brisbane đã lại vào xuân - những mùa xuân cứ lần lượt đến và đi trong đời, để lại bao kỷ niệm. Với Mai, đây đã là mùa xuân thứ năm ở đại học này. Jacaranda đúng là bản sắc của UQ. Cho dù cả Brisbane có ngập tràn sắc hoa phượng tím thì Mai vẫn không thấy nơi đâu đẹp như ở St Lucia. Sau này về Việt Nam hẳn là Mai sẽ nhớ cái sắc tím yêu thương này lắm.


[1] Lysogeny broth (LB): môi trường nuôi cấy vi sinh được sử dụng tại phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu…

[2] Darwin: thủ phủ và là thành phố lớn nhất Lãnh thổ Bắc Úc.

Ra đi để trở về (trang 185-186 "Đường chúng ta đi")

Trước khi về nước, họ rủ nhau làm một chuyến phà CityCat từ bến đầu đến bến cuối, ngắm những cảnh đẹp của thành phố từ dòng sông Brisbane.

Hai người xuất phát từ St Lucia, nơi đã có những năm tháng thanh xuân tươi đẹp cùng nhau học tập và nghiên cứu, những tấm ảnh bên nhau đứng trước bảng hiệu đại học có logo hình tấm khiên và khẩu hiệu Scientia ac Labore[1], những buổi chiều chạy bộ và đi xe đạp qua Cầu Xanh, hay rảo bước trên con đường phượng tím trong khuôn viên bên những tòa nhà sa thạch.

Tháng Mười Một thả xuống thành phố vẻ đẹp dịu dàng của những ngày cuối xuân chuyển sang chớm hạ. Hai bên bờ sông là hoa lá tươi vui và những công trình kiến trúc đặc sắc. Từ lòng sông nhìn lên, những tòa cao ốc hiện đại tạo thành một bức tranh đô thị trên nền trời xanh thẳm.

Họ đi qua Vòng quay Brisbane, Bảo tàng Hàng hải, Vách đá Kangaroo Point, vườn bách thảo và cả cây cầu Story biểu tượng. Cảnh vật cứ lần lượt trôi đi, trôi đi như những năm tháng ở Brizzie thân yêu rồi cũng sẽ lùi về quá khứ.

Hai người lên bờ từ bến Northshore Hamilton. Từ đây họ đi bộ qua khu chợ ẩm thực Eat Street Northshore.

Và Mai lại ăn say sưa nào là bánh conut, khoai tây Slinky, mực ống Calamari rồi kem Tacos... Tùng nhìn Mai tủm tỉm cười, nhớ tuần đầu sang Úc anh cũng lọ mọ lần đường qua Eat Street mua cho Mai mấy túi đồ ăn vặt, dù lúc ấy anh cũng không nghĩ là Mai ăn nhiều vậy, chỉ mua cho vui thôi.


[1] Scientia ac Labore (tiếng Latinh): khẩu hiệu của Đại học Queensland, có nghĩa là “bằng tri thức và sự cần mẫn”.

Câu chuyện đến đây dĩ nhiên chưa hết, và những trích đoạn cũng chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, còn thật nhiều câu chuyện về những ngày học tập và làm việc, những biến cố và đau thương, những ngày cùng nhau vượt qua gian khó, những suy nghĩ nội tâm và cả những chuyến đi đầy màu sắc. Nhưng thôi, các bạn hãy đọc và cảm nhận nhé.


Các bạn có thể đọc bài giới thiệu tác phẩm và đặt mua sách tại đây.



57 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page