Có khá nhiều người đam mê viết lách và mơ ước xuất bản một cuốn sách của riêng mình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Hôm nay, mình xin chia sẻ một vài hướng dẫn cơ bản để các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn cũng như nắm bắt được các bước thực hiện chi tiết. Xuất bản sách không chỉ là sáng tạo nội dung mà còn cần đến kỹ năng lập kế hoạch, sự kiên nhẫn và một số kỹ thuật để biến ước mơ thành hiện thực.
Nếu bạn muốn nghe Podcast phiên bản ngắn gọn thì xem clip dưới đây nhé. Phần bài viết mình sẽ trình bày chi tiết hơn.
1. Xác định mục tiêu và đối tượng độc giả
Nhiều bạn thích viết, nhưng không xác định được viết cho ai và để làm gì, kết quả là tác phẩm rất lan man và thiếu trọng tâm. Cứ cho là bạn viết vì đam mê đi nữa, nhưng trừ khi bạn chỉ viết cho riêng mình đọc, nếu đã có nhu cầu cần đến một lượng độc giả nào đó thì bạn phải hiểu rõ mục tiêu và đối tượng của mình. Vì thế, trước khi bắt tay vào viết, bạn cần xác định:
Mục tiêu xuất bản: Bạn viết sách để chia sẻ tri thức, truyền cảm hứng, tạo dựng thương hiệu cá nhân hay đơn giản là để kiếm tiền? Hiểu rõ mục tiêu giúp bạn giữ vững động lực và dễ dàng lập kế hoạch hơn.
Đối tượng độc giả: Biết rõ bạn viết cho ai sẽ giúp bạn điều chỉnh phong cách viết, nội dung, và thậm chí là chiến lược xuất bản. Ví dụ, nếu bạn có ý định xuất bản một tập truyện dành cho thiếu nhi, bạn phải lưu ý đến cách hành văn dễ hiểu và trong sáng, trình bày đẹp và sinh động, và phải chọn các nhà xuất bản có uy tín về tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Phụ Nữ, NXB Văn Học…
2. Lập kế hoạch viết và biên tập sách
Mặc dù công việc viết lách phụ thuộc nhiều vào cảm hứng vì nó mang tính sáng tạo, nhưng để hoàn thành một bản thảo chất lượng, bạn vẫn cần phải lên kế hoạch cụ thể. Sau đây là một vài điểm cần lưu ý:
Xác định cấu trúc: Hãy phác thảo một sơ đồ hoặc dàn ý cho cuốn sách của bạn, bao gồm các chương, mục quan trọng và những nội dung bạn muốn truyền tải.
Thiết lập thời gian: Xác định mục tiêu thời gian hoàn thành bản sơ thảo, sau đó là các mốc thời gian để chỉnh sửa và hoàn thiện.
Duy trì thói quen viết: Viết thường xuyên mỗi ngày giúp bạn duy trì cảm hứng và tiến bộ.
Việc lập kế hoạch và theo đuổi kế hoạch có vẻ khả thi hơn trong trường hợp bạn viết một cuốn sách tư vấn hoặc truyền đạt tri thức, vì nó dựa trên nền tảng kiến thức chuyên môn có sẵn của bạn. Tuy nhiên, nhiều bạn chuyên sáng tác văn học như thơ, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết… cảm thấy khó khăn vì không phải lúc nào cũng duy trì được mạch cảm xúc. Cũng là một người làm thơ, viết tiểu thuyết và đã xuất bản cả hai loại hình tác phẩm này, mình chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm thực tế.
Chẳng hạn, khi bạn làm thơ, bạn có thể không cần lập dàn ý chi tiết cho từng bài, nhưng bạn nên nhắm đến một chủ đề cụ thể xuyên suốt và nội dung từng bài phù hợp với tuyển tập. Viết tản văn cũng vậy. Hạn chế của nhiều bạn viết tản văn là viết quá lan man và ngẫu hứng, dùng rất nhiều ngôn từ trau chuốt nhưng lại không đọng lại điều gì, khiến người đọc cứ phải lang thang theo mạch cảm xúc của tác giả mà cũng không biết đi đâu về đâu nên rất dễ mệt mỏi. Một số bạn khác lại viết quá nhiều chủ đề không liên quan và nhồi nhét vào một cuốn sách như lẩu thập cẩm. Vì vậy, bạn nhất định phải có một khung sườn chi tiết để từ đó phát triển ý tưởng và sáng tạo nhất quán. Đối với loại hình tiểu thuyết thì tính logic được đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Mình luôn cho rằng các tiểu thuyết gia cũng phải là những người có tư duy logic tốt, bởi vì họ phải bám sát cốt truyện suốt mấy trăm trang, đảm bảo sự chặt chẽ trong từng chương, từng tuyến nhân vật, phải có những nút thắt mở và xử lý tình huống hợp lý. Viết sách là một công việc đòi hỏi cả tính sáng tạo lẫn khả năng tư duy.
3. Hoàn thiện và chỉnh sửa bản thảo
Khi bạn đã viết xong bản sơ thảo, hãy đọc thật kỹ nhiều lần để có được bản thảo hoàn chỉnh. Sau đây là một số việc cần làm:
Tự chỉnh sửa: Đọc lại và chỉnh sửa những lỗi bất hợp lý, trau chuốt nội dung hoặc sửa lỗi chính tả, ngữ pháp.
Nhờ người khác đọc: Mời một vài người thân, bạn bè hoặc những người hiểu về lĩnh vực bạn viết đọc bản thảo và góp ý.
Làm việc với biên tập viên chuyên nghiệp: Nếu có điều kiện, hãy tìm một biên tập viên để giúp bản thảo của bạn trở nên chỉn chu và chuyên nghiệp hơn.
Đối với cá nhân mình thì toàn bộ khâu hoàn thiện và biên tập bản thảo đều do chính tác giả làm, chỉ làm việc với biên tập viên cuối cùng (bắt buộc) của nhà xuất bản.
4. Tìm hiểu các hình thức xuất bản
Sau khi đã có bản thảo hoàn chỉnh, bạn cần quyết định nên xuất bản sách theo hình thức nào. Trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, bạn có nhiều cơ hội xuất bản khác nhau thay vì chỉ theo con đường truyền thống vẫn thường được áp dụng trong quá khứ. Bạn nên tìm hiểu kỹ để chọn hình thức phù hợp nhất:
Xuất bản truyền thống: Với hình thức này, bạn gửi bản thảo đến các nhà xuất bản lớn. Họ sẽ xem xét, đánh giá và quyết định có xuất bản hay không. Hình thức này có thể tốn thời gian và tỷ lệ thành công không cao, nhưng là một lựa chọn đáng cân nhắc vì bạn sẽ được trả tiền bản quyền và có một đội ngũ chuyên nghiệp lo hết cho bạn tất cả các khâu dàn trang, minh họa, in ấn, phát hành..., tóm lại là bạn chỉ cần chuyên tâm sáng tác.
Tự xuất bản (Self-Publishing): Đây là hình thức bạn tự bỏ chi phí và thực hiện tất cả các khâu để xuất bản và phát hành một cuốn sách. Tất nhiên, bạn vẫn cần gửi bản thảo chất lượng đến một nhà xuất bản và tuân thủ các quy định của Cục Xuất bản. Tự xuất bản giúp bạn có quyền kiểm soát toàn bộ quá trình, từ thiết kế, in ấn đến phát hành.
Xuất bản điện tử (E-book): Đây là hình thức dành cho những tác giả muốn tiết kiệm chi phí in ấn và phát hành nhanh chóng. E-book dễ dàng phát hành trên các nền tảng online như Kindle, Google Play Books, Apple Books, các trang viết sách trực tuyến hoặc mạng xã hội.
Là một tác giả, dịch giả đã từng xuất bản nhiều sách với các thể loại và chủ đề khác nhau, mình cũng đã có tác phẩm ra mắt độc giả theo hình thức xuất bản truyền thống lẫn tự xuất bản, và sắp tới sẽ thử nghiệm xuất bản điện tử.
Nếu bạn xuất bản sách theo hình thức truyền thống, tức là được nhà xuất bản chọn in theo kế hoạch của họ (giới trong ngành hay gọi là in kênh A), thì sau khi bản thảo đã được duyệt, bạn không cần phải làm gì nữa cả. Nhà xuất bản sẽ lo tất cả các khâu thủ tục giấy tờ, thiết kế, in ấn, nộp lưu chiểu, phát hành và trả tiền tác quyền cho bạn.
Nếu bạn tự xuất bản thì bạn cần làm thêm các bước sau đây:
5. Xin giấy phép xuất bản
Để được cấp giấy phép xuất bản, bạn phải gửi bản thảo hoàn chỉnh đến một nhà xuất bản phù hợp. Nếu bản thảo của bạn đạt yêu cầu in (có chất lượng nội dung phù hợp với tiêu chí nhà xuất bản và không vi phạm luật xuất bản), bạn sẽ được cấp giấy phép với số lượng in đã yêu cầu. Các nhà in chỉ được phép in sách cho bạn khi bạn có giấy phép xuất bản.
6. Thiết kế bìa và dàn trang
Đây là một công đoạn kỹ thuật và thường sẽ có một bộ phận chuyên trách. Nếu bạn xuất bản theo hình thức truyền thống, nhà xuất bản sẽ có họa sĩ thiết kế làm việc theo sự phân công riêng. Trong vai trò tác giả, bạn có thể hợp tác với người thiết kế để truyền đạt tư tưởng tác phẩm tốt hơn. Nếu bạn tự xuất bản sách, bạn có thể thuê một đơn vị chuyên nghiệp làm công việc thiết kế bìa và dàn trang cho bạn. Đương nhiên, bạn sẽ có quyền tự quyết nhiều hơn. Họa sĩ thiết kế sẽ đề xuất ý tưởng và tác giả là người quyết định chọn phương án nào. Một bìa sách thu hút là yếu tố quan trọng để độc giả quan tâm đến sách của bạn.
Thiết kế bìa: Nếu không có kinh nghiệm, bạn nên thuê một nhà thiết kế chuyên nghiệp để tạo ra bìa sách hấp dẫn và phù hợp với phong cách nội dung.
Dàn trang nội dung: Bố cục, định dạng văn bản và hình ảnh cần được làm cẩn thận để sách dễ đọc và trông chuyên nghiệp.
7. In sách và nộp lưu chiểu
Với hình thức xuất bản truyền thống, nhà xuất bản sẽ in sách cho bạn theo kế hoạch của họ (loại giấy, số lượng in...). Với hình thức tự xuất bản, bạn có thể thuê một nhà in chuyên nghiệp và đương nhiên bạn toàn quyền quyết định chất lượng giấy in, màu in. Về số lượng in, nhà in không được phép in quá số lượng đã được đề cập trên giấy phép xuất bản. Sau khi sách đã được in thành thành phẩm, bạn sẽ giao khoảng 10-20 cuốn sách cho nhà xuất bản để nộp lưu chiểu. Hoàn tất việc lập lưu chiểu thì bạn mới được cấp giấy phép phát hành.
8. Lập kế hoạch quảng bá và phát hành
Sau khi đã có giấy phép phát hành, bạn cần quảng bá và phát hành sách. Sau đây là một số việc bạn có thể thực hiện để đưa sách đến với độc giả:
Xây dựng mạng lưới độc giả: Chia sẻ hành trình viết sách của bạn trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn viết lách để tạo dựng cộng đồng độc giả.
Tạo website/blog cá nhân: Website cá nhân giúp bạn kết nối dễ dàng với độc giả và quảng bá sách một cách chuyên nghiệp.
Liên hệ báo chí và truyền thông: Bạn có thể tổ chức họp báo hoặc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông về xuất bản phẩm của bạn.
Gửi sách cho các đơn vị phát hành: Bạn có thể gửi sách cho các nhà sách trên toàn quốc hoặc các nền tảng bán sách trực tuyến như tiki, amazon… để độc giả dễ tiếp cận sách của bạn hơn.
Tự phát hành: Không ai cấm tác giả tự bán sách cả. Rất nhiều người e ngại rằng làm như vậy sẽ khiến tác giả trở nên "mất giá". Hãy thực tế một chút đi: bà bán xôi có thể tự bán xôi bà ấy nấu, kiến trúc sư có thể chào bán bản vẽ của mình và Elon Musk có thể bán ô tô điện Tesla thì không lý do gì bạn lại không thể bán sách bạn viết. Sách là một sản phẩm trí tuệ đáng được trân trọng, đó cũng là tâm huyết và công sức lao động của tác giả nên việc tác giả bán tác phẩm của mình là điều hoàn toàn chính đáng.
9. Theo dõi phản hồi và phát triển dài hạn
Xuất bản một cuốn sách chỉ là bước khởi đầu, không phải là điểm kết thúc. Hãy tiếp tục phát triển sự nghiệp của bạn bằng cách:
Theo dõi phản hồi: Lắng nghe ý kiến từ độc giả để rút kinh nghiệm và phát triển các tác phẩm sau.
Tìm cơ hội phát hành quốc tế: Nếu sách của bạn có phản hồi tích cực, hãy cân nhắc xuất bản quốc tế hoặc dịch sách sang ngôn ngữ khác.
Xuất bản sách là một quá trình dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng đây là cách tuyệt vời để chia sẻ câu chuyện, tri thức và đam mê của bạn với mọi người. Chỉ cần lên kế hoạch cẩn thận và kiên trì từng bước, bạn sẽ có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Nếu bạn cảm thấy việc xuất bản sách quá phức tạp và chỉ muốn chuyên tâm vào việc viết sách, mình cũng cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp cũng như giúp bạn thực hiện tất cả các khâu biên tập, thiết kế, xin giấy phép, in ấn và phát hành.
Chúc bạn thành công trên hành trình trở thành một tác giả!
Các bạn cần thêm thông tin gì có thể liên hệ với mình tại các kênh sau:
Website: tranbichnga.com
Facebook: facebook.com/tranbichngapage
Youtube: youtube.com/@tranbichngavlog
Instagram: instagram.com/bichnga_athena
Bài viết chỉ giới hạn những nội dung cơ bản nhất để các bạn dễ hình dung các bước cần thực hiện nếu muốn xuất bản một cuốn sách. Mỗi đề mục đều có nhiều vấn đề cần đi sâu chi tiết và mình sẽ có những bài riêng nhé.