Một căn bếp gọn gàng, sạch sẽ không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian mà còn đem lại cảm giác nhẹ nhàng và thoáng đãng. Tuy nhiên, bếp lại là nơi lưu trữ rất nhiều món đồ lặt vặt – từ đồ ăn đến đồ dùng, và vô tình chúng lại trở thành "kẻ xâm lăng" khiến chúng ta mệt mỏi với những ngăn tủ lộn xộn và chật cứng đồ cho dù cũng đã nghiên cứu cách sắp xếp nhà cửa, tối ưu hóa diện tích, mua sắm vật dụng để trang trí và tổ chức không gian sống... Trong bài viết này, mình xin chia sẻ một số giải pháp và kinh nghiệm riêng trong việc tổ chức tủ bếp để không gian được gọn đẹp hơn và thuận tiện khi sử dụng. Hình ảnh minh họa là những căn bếp nhà mình từ trước đến nay.
1. Thiết kế hợp lý
Căn bếp thiết kế hợp lý không nhất thiết phải thật rộng và đắt tiền, mà nó phù hợp với nhu cầu sử dụng của chủ nhân, điều kiện sống và diện tích nhà ở. Đôi khi chúng ta buộc phải hi sinh một số thứ yêu thích để hướng đến cái tổng thể hài hòa nhất. Mình từng đến nhiều căn nhà đẹp, rất tiếc là có những không gian rất sang chảnh nhưng cái bếp lại không được đầu tư một chút nào, trông rất lệch lạc trong sự bề thế ấy. Lý do một phần là việc thiết kế và xây dựng nhà thường được giao cho đàn ông, mà các anh thì đa số là chú trọng phòng khách, phòng sinh hoạt... chứ mấy khi để ý đến bếp, lại nghĩ rằng, nấu có vài món vặt, bếp thế nào chả được.
Với mình thì khác, bếp là linh hồn của ngôi nhà. Nếu các anh muốn các chị xây tổ ấm, thì khi xây nhà hãy làm một căn bếp mà ai cũng thấy thích bước vào.
Căn bếp hợp lý nên đáp ứng các yêu cầu:
Có đủ ngăn kệ với kích thước và không gian phù hợp để chứa đựng các vật dụng một cách khoa học và thuận tiện sử dụng
Có đủ ánh sáng, nếu có cửa sổ thì rất tuyệt
Có vài góc trang trí nho nhỏ để trang trí, tạo cảm giác nhẹ nhàng thư giãn khi làm bếp, đồng thời giúp căn bếp đẹp hơn, sống động hơn
Có các thiết bị nhà bếp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như giải phóng sức lao động của người làm bếp (ví dụ: bếp từ, máy rửa chén, lò nướng...)
Do tủ bếp là hạng mục sử dụng lâu dài, nên quan điểm của mình là hãy tiết kiệm cái gì dễ thay đổi, đừng nên tiết kiệm quá vào cái bếp. Bếp đẹp bếp xịn thì cũng mình với chồng con mình hưởng chứ đi đâu mà thiệt. Và để tủ bếp gọn đẹp, nên lưu ý lắp đặt ray kệ, thiết bị âm tủ ngay từ khâu thiết kế.
Đây là hai căn bếp nhà mình ở Hạ Long và TP. HCM. Cả hai đều trang bị các thiết bị âm tủ như bếp từ, lò nướng, lò vi sóng, máy rửa chén... Cả giàn ray kệ, thùng gạo, ngăn chén dĩa... cũng âm tủ.
2. Kiểm kê và phân loại
Hãy định kỳ kiểm tra các loại đồ dùng và thực phẩm của bạn. Loại bỏ bớt một số món đã không còn phù hợp hoặc hết hạn sử dụng. Với những món còn dùng được, hãy phân chia nhóm sản phẩm để sắp xếp có hệ thống và tập trung.
3. Phân khu chức năng phù hợp
Sau khi đã phân loại, hãy đưa các nhóm đồ dùng vào các ngăn chức năng phù hợp, ví dụ: thực phẩm khô, đồ ăn vặt, đồ làm bếp, chén bát, thiết bị nhỏ, đồ làm vệ sinh và chất tẩy rửa… Cần đề cao tính thuận tiện khi sắp xếp. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm không gian cũng như thói quen sinh hoạt của từng nhà, tuy nhiên có một nguyên tắc chung là những món thường xuyên sử dụng được tập trung một chỗ, để gần tầm với; những thứ ít sử dụng có thể để xa hơn. Ví dụ: Các chất tẩy rửa được mình đặt ngay trong phần tủ dưới bồn rửa và bên cạnh máy rửa chén. Sắp xếp như vậy rất dễ sử dụng, không phải di chuyển nhiều. Thìa nĩa mình cho vào ngăn chia phía trên ngăn để chén dĩa. Gia vị đặt ở kệ gia vị dao thớt bên cạnh bếp từ. Ly chén, đồ khô... cũng được phân loại các ngăn tủ phù hợp.
4. Sử dụng các hộp đựng để sắp xếp có tổ chức
Thường thì rất nhiều món lặt vặt mà chúng ta mua về không có hộp đựng: đường, muối, hạt nêm, đậu, mè, bánh kẹo, các thể loại gia vị… Nếu cứ để bao bì thì sẽ rất lộn xộn và khó sử dụng, nên tốt hơn hết là cho vào các loại hộp đựng. Gia vị có chai lọ riêng, phù hợp với chế độ bảo quản cũng như tần suất và cách thức sử dụng của từng loại. Ngũ cốc, bánh kẹo, đồ khô… cũng có thể cho vào hộp với kích thước phù hợp và tương đối đồng nhất để dễ sắp xếp, ưu tiên các loại hộp đựng có nắp đậy kín để tránh kiến, tránh ẩm và có màu trong suốt hoặc trắng mờ để dễ nhìn thấy bên trong. Nên sử dụng các loại hộp đồng nhất để dễ sắp đặt và nhìn gọn gàng đẹp mắt hơn. Nhớ là khi loại bỏ các bao bì, hãy ghi lại hạn sử dụng của từng món trên những mẩu sticker nhỏ và dán dưới đáy hộp. Nên dùng loại sticker chuyên dùng cho văn phòng, dính tốt nhưng rất dễ lột ra chứ không bám chết như các loại keo dán trên đồ dùng mua ở siêu thị.
Mình là người rất thích trang trí các món ăn (chuẩn là món ăn phải hội tụ đủ 4 yếu tố: ngon, sạch, đẹp và đủ chất dinh dưỡng), vì thế cũng hay sắm các món vật dụng xinh đẹp linh tinh.
Những món lặt vặt kiểu vậy tuy xinh đẹp nhưng có nhược điểm là rất khó sắp xếp trong tủ vì chúng không có hình dáng đồng nhất, vì vậy giải pháp của mình là sắm cho các em cái nhà riêng, tức là nhét tất tật vào hộp nhựa trong suốt để dễ quản lý, khỏi lo thất lạc hay rơi vỡ.
Nói riêng về hộp đựng thực phẩm, dùng để đựng đồ đông lạnh, đồ mát hoặc đồ khô, lưu trữ trong tủ lạnh hay bên ngoài đều được, thì mình đánh giá cao dòng hộp Rubbermaid Easy Find Vented Lids của Rubbermaid, sản xuất tại Mỹ. Hộp đẹp, chất liệu nhựa an toàn, dùng được trong ngăn đông, lò vi sóng và máy rửa chén, thiết kế rất khoa học và bền bỉ. Chỉ riêng cái nắp hộp thôi cũng đầy sự thông minh: không cần khóa mỗi lần mở đau cả tay, chỉ đóng nhẹ nhàng thôi mà cực kỳ kín, đựng chất lỏng đi picnic lắc lên lắc xuống vẫn không đổ. Đặc biệt, nắp có thể gắn khít đáy hộp và lồng vào nhau dễ dàng nên sắp xếp trong tủ cực gọn khi không dùng đến. Tóm lại là điểm 10 cho chất lượng.
Các bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết của mình về việc tổ chức không gian tủ lạnh: Chuyện cái tủ lạnh.
5. Dùng các đồ vật tiện dụng và thông minh giúp tiết kiệm không gian
Những ngăn tủ đóng sẵn với kích thước như nhau có thể hạn chế phương án sắp xếp của chúng ta cho những món đồ khác nhau, do đó hãy sử dụng những đồ dùng giúp tiết kiệm diện tích bề mặt, tổ chức khu vực nhỏ và tận dụng chiều cao không gian như giá phân tầng, giá treo đựng đồ lặt vặt, thanh chia ngăn kéo, hộp đựng chia ngăn, các kệ xếp chồng lên nhau, khuôn xếp chén dĩa thành chồng cao mà không bị đổ, khuôn đựng đồ hộp, các đồ đựng chuyên biệt để tiết kiệm không gian tủ lạnh… Trong trường hợp dùng kệ phân tầng, nên sắp xếp hợp lý để dễ lấy. Những đồ ở phía dưới không quá cao và ở phía trên không quá nặng, nếu cần rổ nên dùng loại có tay kéo để rút ra dễ dàng.
Ngoài ra, đồ đạc của chúng ta không phải lúc nào cũng giữ số lượng cố định mà khi nhiều khi ít, cũng có khi loại bớt kha khá đồ thừa, cũ sau khi kiểm kê nên các loại đồ đạc dùng để chứa nó vô tình lại trở thành vật thừa chiếm diện tích. Tất nhiên, bạn không thể vất đi khi nó còn tốt và có thể sử dụng cho những lần sau. Một giải pháp là hãy sử dụng những đồ dùng xếp gọn. Rất nhiều thứ ở nhà mình như hộp đựng đồ, kệ phân tầng, bàn ghế nhỏ, tấm gác bồn rửa... đều có thể xếp gọn khi không cần sử dụng để dễ lưu trữ.
Đây là gian bếp nhỏ của mình trong căn chung cư ngày xưa, cái thời mà diện tích cũng nhỏ, tiền cũng eo hẹp nên việc sắp xếp tổ chức chỉ giới hạn trong khả năng có thể mà thôi.
Căn bếp gọn đẹp không nhất thiết phải là một căn bếp hiện đại và cầu kì (tất nhiên nếu có điều kiện thì chẳng tội gì lại không đầu tư một cái bếp thật ưng ý). Cái đẹp có thể nằm trong sự đơn giản, không quá tốn kém mà vẫn thể hiện sự tinh tế và khoa học. Ra đường, chúng ta đã phải đối mặt với sự ô nhiễm quá nhiều từ khói bụi, kẹt xe, khí thải, môi trường độc hại… nên đừng để bản thân phải chịu thêm sự "ô nhiễm tầm nhìn" khi trở về mái nhà yêu dấu, mà ở đó bếp là nơi thắp lửa hồng cho tổ ấm.
Comments