top of page
Writer's pictureAthena

Du học Ý - Bài 3: Visa du học

Sau hai bài viết đầu tiên: Thông tin chung về giáo dục đại học ở ÝCác đại học hàng đầu ở Ý, trong bài này mình chia sẻ những khó khăn trong việc xin visa du học và các bước chuẩn bị để tăng khả năng thành công.



So với nhiều nước khác, thì Ý là nước có yêu cầu rất khắt khe về visa du học, có thể nói là khó nhất châu Âu. Rất nhiều gia đình có tiềm lực tài chính vững mạnh, nộp hồ sơ cho con đi Anh, Mỹ, Úc, Canada thành công vẫn rớt visa du học Ý như thường. Thậm chí cùng một bộ hồ sơ đó, đem nộp ở các nước châu Âu khác đều OK, nhưng ở Ý lại không được duyệt. Nhận được thư mời nhập học của một đại học mà bạn mơ ước chưa phải là tấm vé để bạn đến Ý vì nếu không thể chứng minh tài chính hợp lệ theo yêu cầu của ĐSQ thì vẫn tạch visa. Đọc đến đây chắc các bạn cũng nản, kiểu khó quá thôi bỏ qua, vậy thì mình cũng xin nói rõ như thế này: sở dĩ nhiều người thấy visa du học Ý quá khó vì họ không hiểu đúng bản chất vấn đề, và do đó không có sự chuẩn bị phù hợp, đúng trọng tâm để được cấp visa thành công. Nếu bạn hiểu rõ yêu cầu và có kế hoạch chu đáo thì khả năng được chấp nhận visa rất cao kể cả khi bạn không quá khá giả, vì nhìn chung Ý không yêu cầu chứng minh tài chính quá nhiều, thay vào đó là phải có sự minh bạch.


Bạn được cấp visa du học mà không cần chứng minh tài chính trong trường hợp nào?


Nếu bạn nhận được một trong các học bổng sau đây, bạn sẽ được cấp visa du học mà không cần chứng minh tài chính. Đây là những học bổng toàn phần bao gồm cả miễn học phí lẫn chi trả cho mọi chi phí sinh hoạt để học tập tại Ý (khác với các học bổng trường chỉ miễn một phần hoặc toàn bộ học phí nhé)

  • Học bổng Invest Your Talent: Học bổng Chính phủ Ý dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, có thành tích xuất sắc tham gia chương trình thạc sĩ tại các đại học ở Ý.

  • Học bổng MAECI: Học bổng Bộ ngoại giao dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, có thành tích xuất sắc tham gia chương trình thạc sĩ tại các đại học ở Ý. Học bổng MAECI thì ít nặng yêu cầu về điểm số hơn Invest Your Talent mà sẽ đánh giá cao về phần phỏng vấn và mức độ phù hợp của bạn.

  • Học bổng Erasmus Mundus: Đây là một trong những học bổng toàn phần danh giá nhất Châu Âu để tạo điều kiện cho sinh viên toàn thế giới có thành tích xuất sắc tham gia chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở các đại học châu Âu, trong đó có Ý.


Một số đại học có học bổng trường dành cho học sinh/ sinh viên xuất sắc với nhiều mức tài trợ khác nhau, bao gồm cả miễn học phí và trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy vậy, kể cả khi bạn nhận được mức học bổng cao nhất tương đương với học bổng Chính phủ thì bạn vẫn phải chứng minh tài chính để xin visa. Nhưng bạn đừng lo lắng, vì khi bạn đã có xác nhận cấp học bổng của trường thì việc được chấp nhận visa dễ dàng hơn nhiều, khâu chứng minh tài chính cũng rất nhẹ nhàng.


Những khó khăn thường gặp trong việc chứng minh tài chính


Trong trường hợp bạn không có học bổng, tức là đi học theo con đường du học tự túc, thì khâu khó khăn nhất khi xin visa là chứng minh tài chính. Rất nhiều bạn hiểu nhầm là phải có thu nhập thật cao và nhiều tài sản thì mới thể hiện tài chính vững mạnh. Thực chất thì sinh hoạt phí ở Ý thuộc loại dễ chịu nhất châu Âu, do đó ĐSQ cũng không yêu cầu bạn phải chứng minh tài chính quá nhiều. Sau đây là quy định về chứng minh tài chính của ĐSQ Ý dành cho du học sinh Việt Nam đăng ký học đại học tại Ý (mục 8, visa mẫu D):


Chứng minh tài chính cho suốt thời gian học ở Italia (khoản tiền tối thiểu không thấp hơn 467,65 € mỗi tháng, tương đương với 6.079,45 € một năm). Mức tài chính này phải được chứng minh bằng chính tài chính cá nhân của sinh viên hoặc của các thành viên trong gia đình và không được chấp nhận thông qua việc chứng minh qua hợp đồng bảo lãnh ngân hàng, chính sách bảo lãnh, tiền mặt hoặc bảo lãnh do bên thứ ba cung cấp.


Việc chứng minh tài chính trên sẽ được xem xét nếu sinh viên sau đó nhận được học bổng. Các sinh viên nhận được học bổng của Chính phủ Italia không phải chứng minh tài chính.


Giấy tờ chứng minh tài chính cho suốt thời kỳ đi học tại Italia cũng được yêu cầu là phải thể hiện qua việc sao kê tài khoản cá nhân. Tài khoản tiền gửi tiết kiệm và sổ tiết kiệm không liên quan đến việc chứng minh thu nhập.


Giải thích:


  • Con số 467,65€/tháng hay 6.079,45€/năm (tương đương 13 triệu VND/tháng hay 169 triệu VND/năm) là số tiền tối thiểu được yêu cầu chứng minh để có thể sinh sống và học tập tại Ý. Đây không phải là con số quá cao đối với các gia đình trung lưu tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là chi phí cho cá nhân đi học, nghĩa là chứng minh tài chính phải thể hiện được thu nhập của các thành viên trong gia đình đủ để dành ra mức chi phí đó sau khi đã trừ đi mọi khoản sinh hoạt phí tại Việt Nam. Như vậy, thay vì chứng minh tài chính mỗi tháng bạn có thu nhập 13 triệu, thì bạn phải chứng minh gia đình có đủ chi phí sinh hoạt tại Việt Nam và còn dư được 13 triệu đó cho bạn đi học.

  • Như đã nói, số tiền mà ĐSQ quy định ở trên là số tối thiểu, căn cứ trường nhận bạn vào học có chính sách miễn học phí hoặc học phí thấp ở mức tượng trưng (thường là trường công lập). Nếu bạn học trường tư đương nhiên con số phải chứng minh cao hơn nhiều.

  • Tài chính phải là thu nhập của chính người đi học hoặc người bảo lãnh hợp lệ (ba mẹ hoặc thành viên cùng chung hộ khẩu trong gia đình). Khi ba mẹ chứng minh thu nhập để bảo lãnh cho con đi học, bên ĐSQ sẽ có công thức để tính xem trường hợp cụ thể của bạn phải có mức tổng thu nhập là bao nhiêu, do đó mình không thể đưa ra một con số chính xác. Ví dụ gia đình bạn có 4 thành viên phụ thuộc thì mức chứng minh tài chính phải cao hơn chỉ 1-2 thành viên phụ thuộc. Mình tạm đưa ra một con số chung chung để các bạn dễ hình dung, chẳng hạn gia đình có bố mẹ đi làm với tổng thu nhập khoảng 40-50 triệu VNĐ mỗi tháng, đã có nhà ở ổn định và nuôi 2 con đi học, thì được xem là đủ khả năng tài chính đáp ứng con số tối thiểu 13 triệu VND/tháng cho con đi học.

  • Tài chính minh bạch: tất cả phải thể hiện qua sao kê tài khoản và đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước (nếu là doanh nghiệp) hoặc bảo hiểm xã hội (nếu là người lao động). Sổ tiết kiệm và tài sản không có giá trị chứng minh tài chính. Đây là điểm khó nhất của Ý so với các nước khác, nên có nhiều trường hợp oái oăm là ba mẹ rất nhiều tiền nhưng không chứng minh hợp lệ được nên con vẫn tạch visa. Ngược lại, nhiều gia đình chỉ ở mức trung bình nhưng đi làm có mức lương chuyển khoản và đóng BHXH đầy đủ thì không khó để đậu visa.


Sau đây là một số ví dụ thực tế và câu hỏi thường gặp để bạn dễ hình dung sự khó dễ trong việc chứng minh tài chính xinh visa du học Ý.


  • Ba mẹ có quán phở thu nhập mỗi tháng 100 triệu đồng, tuy nhiên chỉ đóng thuế khoán ở phường khoảng 500k/tháng.

    => Thuế khoán theo doanh thu tượng trưng của các hộ kinh doanh không được dùng để chứng minh tài chính. Do đó để hợp lệ thì nên đăng ký hộ kinh doanh hoặc công ty và đóng thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với lợi nhuận thực tế.

  • Ba đi thầu công trình, toàn nhận lương bằng tiền mặt; mẹ làm freelance công việc theo dự án chứ không phải là thu nhập hàng tháng.

    => Các thể loại công việc thời vụ hoặc freelance nên có giấy tờ ký kết với chủ lao động và yêu cầu họ chuyển khoản để hợp lệ khâu hồ sơ. Thu nhập không theo tháng nhưng nếu đạt được mức ổn định hàng năm và có giấy tờ rõ ràng thì vẫn được tính.

  • Ba mẹ đi làm lương mỗi tháng 50 triệu nhưng công ty chỉ khai đóng BHXH mức lương 10 triệu.

    => Trường hợp này rất hay gặp ở Việt Nam, vì thế nếu không thể có được mức lương tốt thể hiện trên sổ BHXH thì con đường xin visa khá hẹp. Bạn có thể nhờ công ty viết giấy xác nhận số lương thực tế kèm con số thể hiện trong sao kê tài khoản để chứng minh với ĐSQ. Nếu điều đó cũng không làm được nữa thì nói thật là hầu như không có khả năng xin visa nếu không chứng minh được nguồn thu nhập hợp lệ nào khác.

  • Ba mẹ có nhà cho thuê mỗi tháng 20 triệu đồng. Số tiền này liệu có được tính vào thu nhập của gia đình?

    => Tiền cho thuê nhà được xem là thu nhập hợp lệ nếu gia đình có sổ hồng (giấy tờ pháp lý chứng minh chủ sở hữu), việc cho thuê là minh bạch và có đóng thuế cho nhà nước. Đa số các trường hợp cho thuê nhà ở VN hiện nay là hai bên tự thỏa thuận với nhau và lách thuế, trong trường hợp đó tiền thuê nhà sẽ không được ghi nhận.

  • Ba mẹ bán hàng online và môi giới bất động sản kiếm được tháng mấy trăm triệu, tuy nhiên không khai báo thuế. Tài sản thì có mấy cái nhà, mấy sổ tiết kiệm cả tỷ đồng... Vậy thu nhập đó chứng minh như thế nào?

    => Như đã nói ở trên, ĐSQ Ý không yêu cầu phải chứng minh nhiều tiền mà yêu cầu sự minh bạch, đồng thời không chấp nhận sổ tiết kiệm hay tài sản như một nguồn thu nhập để chứng minh tài chính. Do đó, một khi đã không thể hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước thì không có cách nào hợp lý hóa được nguồn thu nhập đó. Đó cũng là lý do nhiều gia đình rất nhiều tiền vẫn tạch visa vì không thể chứng minh thu nhập hợp lệ.

  • Gia đình em có 4 người, gồm ba mẹ, chị gái và em (đang là học sinh). Ba mẹ có lương chuyển qua tài khoản tổng cộng là 20 triệu. Chị gái hiện đã đi làm, lương 20 triệu có hợp đồng sao kê đầy đủ. Vậy thu nhập của chị gái có hợp lệ để tính vào thu nhập gia đình không vì chỉ tính riêng ba mẹ thì quá thấp?

    => Nếu chị gái ở chung hộ khẩu thì được tính là cá nhân hợp lệ bảo lãnh cho em đi du học, do đó lương của chị gái có thể gộp chung với lương ba mẹ để chứng minh tài chính. Nếu chị gái đã lập gia đình và tách hộ khẩu ra riêng thì không được tính.

  • Ba mẹ em đã ly hôn và hiện em sống với mẹ. Ba em đã lập gia đình riêng và có con khác, không chung hộ khẩu với em. Trong trường hợp này ba có hợp lệ để chứng minh tài chính hay chỉ được tính thu nhập của mẹ?

    => Ba mẹ là người bảo lãnh hợp pháp, kể cả ly hôn thì ba hoặc mẹ vẫn có thể bảo lãnh cho con đi học miễn là thu nhập hợp lệ của họ đủ để chu cấp cho con sau khi đã trừ đi chi phí trang trải cuộc sống cho gia đình mới. Các trường hợp người thân kiểu cô dì chú bác hoặc thậm chí anh chị em ruột cũng không có tư cách bảo lãnh tài chính nếu không chung hộ khẩu với người xin visa du học.


Như vậy, khó khăn trong việc chứng minh tài chính xin visa du học Ý không phải là ở số tiền quá cao mà là tính minh bạch và giấy tờ hợp lệ. Các trường hợp thường bị rớt visa là do thu nhập nhận bằng tiền mặt, trốn thuế hoặc trốn BHXH (một phần hay toàn bộ), hoặc mức tài chính được xem là hợp lệ thấp so với mức yêu cầu (cho dù khả năng tài chính thực sự của gia đình có cao như thế nào đi nữa). Ngoài ra, trong khi rất nhiều nước khác chấp nhận sổ tiết kiệm và bất động sản là một phần thu nhập thì Ý không dùng các loại tài sản này để chứng minh thu nhập, khiến việc xin visa vào Ý khó hơn rất nhiều.


Chuẩn bị hồ sơ tài chính để tăng khả năng xin visa thành công


Để tăng khả năng xin visa thành công, bạn cần lưu ý tính hợp lệ của hồ sơ chứng minh tài chính. Do Ý tính lùi ngày chứng minh lại trước thời hạn visa là 2 năm (trước đây là 1 năm) nên nếu bạn nộp hồ sơ đi học năm 2025, bạn phải chứng minh tính hợp lệ của hồ sơ ít nhất là từ năm 2023. Điều đó đảm bảo gia đình bạn có thu nhập ổn định, lâu dài và minh bạch. Đây là một điểm khó nữa trong việc xin visa Ý. Vì vậy, nếu có kế hoạch đi du học Ý, bạn nên có sự chuẩn bị chu đáo càng nhiều năm càng tốt (ít nhất 2 năm), cụ thể:

  • Nếu kinh doanh tự do, hãy đăng ký hộ kinh doanh và đóng thuế thu nhập dựa trên doanh thu thực tế thay vì thuế khoán. Nếu là doanh nghiệp thì có giấy tờ thuế đóng vào ngân sách nhà nước. Nếu là người lao động, có đăng ký bảo hiểm xã hội và hợp đồng lao động đầy đủ.

  • Lương, thưởng và các nguồn thu nhập nhận được phải được chuyển khoản và thể hiện trên sao kê.

  • Nếu có tài sản cho thuê (nhà đất, xe...) phải có giấy tờ sở hữu, hợp đồng rõ ràng và có đóng thuế đầy đủ.

  • Tất cả các thu nhập không thường xuyên vẫn được tính nếu có hợp đồng và tiền chuyển qua tài khoản.

  • Sổ tiết kiệm và bất động sản: tuy các tài sản này không được dùng để chứng minh tài chính nhưng nếu tài sản của bạn là lâu dài, có được từ thu nhập và thể hiện quá trình tích lũy hợp lý thì sẽ được cân nhắc như một yếu tố có lợi, chứng tỏ bạn có kế hoạch đầu tư học tập nghiêm túc. Ví dụ: sổ tiết kiệm 500 triệu đồng trong 5 năm, mỗi năm gửi 100 triệu rút ra từ tài khoản của gia đình sẽ uy tín hơn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng mới mở được 6 tháng với một khoản tiền từ trên trời rơi xuống các bạn nhé.


Lưu ý: Trong trường hợp bạn không thể chứng minh nguồn thu nhập hợp lệ theo yêu cầu của ĐSQ dù thực tế bạn có tiềm lực tài chính, hãy cân nhắc đi du học ở một nước khác có yêu cầu visa dễ dàng hơn. Tuyệt đối không giả mạo hồ sơ hoặc gian lận dưới bất kỳ hình thức nào, vì nếu bị phát hiện (mà thường là ĐSQ rất nhạy vụ này) thì hồ sơ ấy bị rơi vào black list và con đường du học coi như bị khép lại. Du học là một cơ hội tốt cho bạn vào đời nhưng đó không phải là con đường duy nhất, vì vậy đừng tạo cho mình một vệt đen trong hồ sơ mà hỏng cả tương lai.


Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ chia sẻ thông tin về các loại học bổng và các khoản trợ cấp mà du học sinh đến từ Việt Nam có thể nhận được, giúp cho con đường du học của bạn được thuận lợi hơn.

69 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page