Như đã hứa với nhiều bạn, sau chuyến trải nghiệm, khảo sát thực tế cùng việc tìm hiểu thông tin các đại học hàng đầu ở Ý, mình viết bài chia sẻ về du học Ý bậc đại học và thạc sĩ để các bạn cần tham khảo có thêm thông tin. Sau đây là một vài lưu ý trước khi đọc bài:
Bài viết dựa trên sự tìm hiểu của cá nhân, không đại diện cho bất kỳ một cơ quan nào, do đó tính chính xác và cập nhật chỉ giới hạn trong thời điểm viết bài và theo sự tìm hiểu chủ quan của người viết. Các bạn nên kiểm tra lại với trường, thành phố mà bạn quan tâm để có được thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật nhất.
Mình không làm công việc tư vấn du học, không thu phí, nên bài viết chỉ có tính chất lưu trữ thông tin tham khảo cho bản thân cũng như chia sẻ với các bạn có nhu cầu tìm hiểu, do đó cũng không chịu bất cứ trách nhiệm nào liên quan đến bài viết này. Tham khảo hay không là sự chọn lựa của các bạn.
Mình không thể biết tất cả, tuy nhiên trong phạm vi tìm hiểu được, mình sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết trên tinh thần thiện chí và tôn trọng lẫn nhau. Các bạn có thắc mắc hoặc muốn hỏi thêm thông tin cứ để lại comment dưới bài viết, mình sẽ trả lời nếu biết hoặc hướng dẫn các bạn tìm hiểu nơi khác. Thời gian có hạn nên mình sẽ hạn chế trả lời tin nhắn riêng vì sẽ có nhiều câu hỏi trùng lặp, ngoài ra khi các bạn hỏi trong bài thì nhiều bạn khác có cùng câu hỏi có thể tham khảo luôn.
Tên trường và các địa danh (vùng, thành phố...) mình sẽ dùng tiếng Ý, có mở ngoặc chú thích tên tiếng Anh một lần đầu tiên, thay vì dùng tiếng Anh hoàn toàn như các trang viết khác. Lý do thứ nhất là mình muốn tôn trọng ngôn ngữ bản địa, lý do thứ hai là để các bạn dễ tra cứu khi xem thông tin các trang web trường và vùng, thành phố. Trường hợp các bạn gặp phải những thông tin tiếng Ý khi tra cứu thì có thể dùng thêm Google translate để hỗ trợ nhé.
Chuyên đề DU HỌC Ý sẽ được chia thành các bài viết như sau:
Bài 1 - Thông tin chung: Chia sẻ các thông tin tổng quát về giáo dục đại học ở Ý (cử nhân và thạc sĩ), các ngành đào tạo mũi nhọn của Ý, các chính sách về học phí và học bổng cho sinh viên Việt Nam, một số yêu cầu về ngôn ngữ và kiến thức để được nhận vào trường.
Bài 2 - Các đại học hàng đầu: Giới thiệu các đại học hàng đầu ở Ý và các thế mạnh đào tạo cũng như môi trường sống của thành phố sở hữu đại học đó.
Bài 3 - Visa du học: Chia sẻ những khó khăn trong việc xin visa du học và các bước chuẩn bị để tăng khả năng thành công.
Bài 4 - Học bổng và trợ cấp: Chia sẻ thông tin về các loại học bổng và các khoản trợ cấp mà du học sinh đến từ Việt Nam có thể nhận được.
Bài 5: Cuộc sống ở Ý: Sinh hoạt phí và cuộc sống ở Ý, khả năng kết nối với các nước khác trong khối EU, những thuận lợi và khó khăn mà du học sinh có thể gặp phải trong quá trình học tập.
Và bây giờ, mình xin bắt đầu nội dung của bài 1 nhé.
Giáo dục đại học ở Ý
Ý là một đất nước có nền giáo dục hàn lâm với lịch sử lâu đời. Các đại học ở Ý thuộc nhóm cổ xưa nhất châu Âu cũng như toàn thế giới. Đại học Bologna được thành lập năm 1088, trước cả Đại học Oxford thành lập năm 1096 lâu đời nhất trong khối nói tiếng Anh. Các đại học hàng đầu khác của Ý cũng đều có lịch sử hàng trăm năm hoặc gần thiên niên kỷ.
Với một bề dày lịch sử giáo dục như vậy, cùng những thành tích trong quá khứ của một dân tộc có nền văn minh La Mã và văn hóa Phục Hưng đồ sộ, Ý là quốc gia có nền giáo dục chuyên sâu và chất lượng với đầu ra đạt chuẩn châu Âu và được công nhận trên toàn thế giới. Rất nhiều đại học ở Ý được xếp hạng cao theo QS World University Rankings, trong đó có nhiều ngành đào tạo cực kỳ uy tín và được xếp hạng top 10 thế giới.
Tuy nhiên, khi nói đến việc du học, Ý không phải là một cái tên nổi bật trên thị trường giáo dục và không phải là lựa chọn hàng đầu của du học sinh vì nhiều lý do:
Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Ý không phải là thị trường kinh doanh giáo dục như Mỹ, Úc, Canada... Ý tập trung đào tạo chuyên môn hơn là thương mại hóa và marketing giáo dục, do đó về mức độ tiếng tăm không bằng.
Ngôn ngữ chính là tiếng Ý sẽ được giảng dạy ở hầu hết các ngành thuộc bậc đại học. Rất ít ngành hệ cử nhân được đào tạo bằng tiếng Anh. Với cấp độ thạc sĩ thì nhiều lựa chọn hơn do các đại học lớn đều có chương trình tiếng Anh lẫn tiếng Ý.
Xin visa du học Ý rất khó, có thể nói là khó nhất châu Âu. Trừ khi bạn nhận học bổng Chính phủ (Invest Your Talent), học bổng Bộ ngoại giao (MAECI), học bổng Châu Âu (Erasmus Mundus), nếu đi du học tự túc thì bạn phải trải qua phần xin visa khá khó khăn, kể cả khi bạn đã được chấp nhận nhập học ở trường mà bạn đăng ký. Nếu việc xin visa du học một số nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha hay khối Bắc Âu tương đối dễ dàng thì ở Ý không như vậy, nhất là ở khâu chứng minh tài chính. Đối với du học sinh Việt Nam thì mức chứng minh tài chính không cần cao nhưng phải minh bạch và điều đó thể hiện qua nghĩa vụ thuế hay BHXH với nhà nước, trong khi các tài sản khác như bất động sản hay sổ tiết kiệm không có giá trị chứng minh tài chính khi xin visa du học Ý. Do đó rất nhiều đại gia tiền như nước chảy nhưng hồ sơ thiếu sự minh bạch vẫn tạch visa Ý dù họ nộp cho con đi Úc, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan... bình thường. Về visa du học mình sẽ có một bài riêng chi tiết (bài 3).
Tuy nhiên, ngoài một số trở ngại như trên, nếu bạn có sự tìm hiểu sâu sắc và chuẩn bị chu đáo để du học Ý thành công thì bạn lại có rất nhiều lợi ích, trong đó lợi ích đáng kể nhất là được hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng ở đất nước có nhiều di sản được UNESCO công nhận nhất thế giới với chi phí cực kỳ hợp lý và dễ chịu. Cụ thể như sau:
Hầu hết các đại học hàng đầu ở Ý là đại học công lập (trừ trường Luiss ở Roma và Bocconi ở Milano là những đại học tư rất uy tín), do đó học phí khá mềm mại. Tùy đại học mà học phí sẽ dao động trong khoảng 0-3000 euro (tương đương 0-83.000.000 VNĐ) mỗi năm. Mức học phí khác nhau được áp dụng cho các nước khác nhau, thông thường thì Việt Nam được xếp vào nhóm nước nghèo nên học phí có thể là 0 đồng (miễn phí) hoặc rất nhỏ, chẳng hạn như Đại học Sapienza của Roma (đại học lớn nhất nước Ý và là một trong những đại học lớn nhất châu Âu với chất lượng đào tạo cực kỳ uy tín) có mức học phí dành cho sinh viên Việt Nam từ hệ cử nhân đến thạc sĩ là 300e (khoảng 8.300.000 VNĐ) mỗi năm cho tất cả các ngành, kể cả những ngành có chi phí đào tạo cao như y khoa hoặc kiến trúc. Tất nhiên, chính sách học phí có thể thay đổi theo từng năm nên bạn cần tìm hiểu thông tin trên trang web của đại học mà bạn quan tâm để kịp thời cập nhật nhé. Với đại học tư thì học phí thường trên 10.000 euro/năm.
Ý là một đất nước rất xứng đáng để các bạn đi du học theo đúng nghĩa đen của nó: DU HỌC = DU LỊCH + HỌC TẬP. Nước Ý không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh sắc tươi đẹp như những hồ nước rộng lớn, núi non hùng vĩ và các bãi biển tuyệt vời của Địa Trung Hải, mà còn là đất nước có nhiều di sản UNESCO nhất thế giới. Ý có một nền văn hóa và nền tảng kiến trúc đồ sộ từ thời văn minh La Mã và văn hóa Phục Hưng. Theo UNESCO, khoảng 60% công trình kiến trúc và nghệ thuật của nhân loại nằm ở Ý. Khi học tập ở Ý, các bạn có thể dành những năm tháng sinh viên tươi đẹp để du lịch và khám phá văn hóa bản địa, không chỉ trong nước Ý mà còn 28 quốc gia châu Âu khác trong khối Schengen. Những chuyến đi của tuổi trẻ là trải nghiệm vô cùng kỳ diệu và hữu ích trong cuộc đời của bạn.
Ý luôn được đánh giá là đất nước có nền ẩm thực số một thế giới, vì vậy khi sống ở Ý, các bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn ngon. Là một đất nước rất dồi dào về nông sản và hải sản cùng công nghiệp chế biến thực phẩm tiên tiến, các sản phẩm ăn uống của Ý hầu như đều dùng nguyên liệu bản địa, rất ít phải nhập khẩu. Các bạn du học sinh khi tự nấu ăn cũng có cơ hội được tiếp cận nguồn thực phẩm phong phú, lành mạnh và bổ dưỡng với chi phí hợp lý. Người Ý rất chú trọng ăn uống, không chỉ ăn ngon mà còn phải có khoa học, do vậy họ là một trong những quốc gia có tuổi thọ rất cao trên thế giới.
Sinh hoạt phí ở Ý có thể nói là rẻ nhất trong các nước phát triển ở châu Âu, do đó chi phí đầu tư cho con đi du học sẽ khá mềm mại so với những nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Hà Lan... và thấp hơn rất rất nhiều so với Anh, Mỹ, Úc, Thụy Sĩ... Về sinh hoạt phí cũng như cuộc sống ở Ý (cả thuận lợi lẫn bất cập) mình cũng sẽ có bài riêng chi tiết (bài 5).
Thời tiết ở Ý là một điểm cộng cho các du học sinh đến từ một nước nhiệt đới như Việt Nam. Là một đất nước có thời tiết ôn hòa với phần lớn diện tích được bao bọc bởi Địa Trung Hải, nước Ý có mùa đông không quá lạnh như các nước Trung Âu và Bắc Âu, mùa xuân và mùa thu mát mẻ còn mùa hè thì hơi nóng vào tầm tháng 7, tháng 8. Mùa đông ở Ý hiếm khi có tuyết, nhưng nếu muốn trượt tuyết thì các thanh niên vẫn có thể đến những khu trượt tuyết trên núi để thỏa chí phiêu lưu. Nếu như các nước từ Đức trở lên gần cực Bắc thường có khái niệm "trầm cảm vì thời tiết" do mùa đông quá lạnh giá thì ở Ý hầu như không có khái niệm đó.
Đi Ý học gì?
Đây là câu hỏi mà hầu như mọi du học sinh đều quan tâm. Tất nhiên là bạn có thể học tất cả các ngành mà Ý có đào tạo và hầu hết đều có chất lượng cao. Tuy nhiên, ở Ý có một số ngành thế mạnh rất có uy tín trên thế giới giúp bạn có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, đó là:
Kiến trúc: đây là thế mạnh đào tạo của Ý - một đất nước có rất nhiều kiến trúc sư tài năng cũng như những công trình kiến trúc vĩ đại. Ngoài ra, được học tập ở một đất nước có quá nhiều công trình đẹp, tư duy thẩm mĩ cũng sẽ ngấm vào bạn một cách tự nhiên giúp cho việc tiếp nhận kiến thức mới thuận lợi hơn. Kiến trúc là ngành bắt buộc phải thi đầu vào ở bậc đại học của Ý.
Thiết kế và hội họa: tất cả các lĩnh vực thiết kế của Ý như thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp, thiết kế đồ họa... đều rất uy tín. Đi khắp nước Ý, bạn sẽ luôn bắt gặp những nét đẹp tinh tế trong từng sản phẩm, từ những cửa hàng rất phong cách, một chiếc Vespa duyên dáng hay chiếc Lamborghini sành điệu, những hộp bánh kẹo đẹp mê ly đến các thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn thế giới.
Y khoa: Y (và cả nha, dược) đều là ngành thế mạnh của Ý. Hệ thống y tế của Ý rất tốt. Bằng y khoa của Ý rất có giá trị, có thể hành nghề ở nhiều nước và hoàn toàn có thể thi nội trú ở Mỹ. Đây cũng là ngành bắt buộc phải thi đầu vào (International Medical Admission Test - IMAT - Kỳ thi Đầu vào Y khoa Quốc tế). Một điểm nổi bật trong đào tạo y khoa Ý so với nhiều nước khác là có chương trình tiếng Anh.
Vật lý - Thiên văn: Đây đều là những ngành mũi nhọn ở Ý với rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu và ứng dụng. Ý cũng là đất nước sở hữu nhiều giải Nobel về vật lý.
Truyền thông: Ý có ngành truyền thông rất phát triển và luôn cập nhật xu hướng truyền thông, báo chí quốc tế.
Kỹ thuật và khoa học máy tính: các lĩnh vực đào tạo như khoa học máy tính, hệ thống thông tin, xây dựng, điện - điện tử, cơ khí, hàng không, kỹ thuật sản xuất... đều là những ngành mà Ý có chất lượng đào tạo cao, đặc biệt là ở các đại học nổi tiếng về kỹ thuật và kiến trúc như Politecnico di Milano hay Sapienza...
Đọc sơ qua thì các bạn cũng có thể thấy Ý mạnh về các ngành mang tính hàn lâm, học thuật và kỹ thuật. Vậy còn kinh tế xã hội thì sao? Tất nhiên, như đã nói ở trên, giáo dục Ý là nền giáo dục có chất lượng trong nhiều lĩnh vực, nhưng không phải ngành nào cũng là mạnh nhất. Với lĩnh vực kinh tế thì các trường tư uy tín hoặc một số nền giáo dục cởi mở như các nước nói tiếng Anh sẽ chiếm ưu thế hơn.
Ngoài ra, ở Ý các bạn có thể theo học những ngành rất ít nghe tới ở Việt Nam như sản xuất mĩ phẩm hay quản lý hàng cao cấp. Một số khóa học Luxury Management ở các đại học lớn thậm chí còn được các hãng thời trang nổi tiếng thế giới đặt hàng về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Để tìm hiểu thêm về các ngành học ở Ý, các bạn vào trang web www.universitaly.it nhé (có cả tiếng Ý lẫn tiếng Anh). Các bạn có thể tìm ngành học, đại học cũng như các khóa có đào tạo bằng tiếng Anh tại đây.
Học bổng và trợ cấp
Ở những nước thương mại hóa giáo dục, học bổng thường chỉ giảm bao nhiêu phần trăm đó trên học phí năm mà bạn phải đóng, và mức học phí đó cũng rất cao; chưa kể chi phí sinh hoạt ở những nước này cũng vô cùng đắt đỏ. Rất nhiều người quen của mình có con đi học ở Úc, Mỹ... nhận học bổng 50% nhưng mỗi năm vẫn phải chi thêm 700 triệu đến 1 tỉ VNĐ, con số quả là không nhỏ và khá áp lực cho thành phần trung lưu. Vậy nên khi các bạn nghe người này người kia nhận học bổng mấy tỉ thì cũng phải cân nhắc xem con số còn lại mà ba mẹ phải chi ra là bao nhiêu, và trường được nhận vào học là trường nào. Ví dụ như ở Mỹ hay Anh, đúng là có nhiều trường được xếp hạng cao trong QS Rankings thật, nhưng để vào được Ivy List thì phải cực kỳ xuất sắc và đầu tư nhiều, rất hiếm học sinh Việt Nam vào được. Giáo dục cũng là một sự đầu tư, nên đầu tư sao để có được chất lượng tối ưu nhất trên chi phí bỏ ra cũng là điều nên tìm hiểu kỹ.
Trong khi đó, các khoản học bổng dành cho du học sinh Ý hầu như đều là học bổng toàn phần, bao gồm chính sách miễn học phí và khoản tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong cả năm. Tuy nhiên, các học bổng này thường chỉ cấp cho bậc thạc sĩ.
Học bổng Erasmus Mundus: Đây là một trong những học bổng toàn phần danh giá nhất Châu Âu để tạo điều kiện cho sinh viên toàn thế giới có thành tích xuất sắc tham gia chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở các đại học châu Âu, trong đó có Ý.
Học bổng Invest Your Talent: Học bổng Chính phủ Ý dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, có thành tích xuất sắc tham gia chương trình thạc sĩ tại các đại học ở Ý.
Học bổng MAECI: Học bổng Bộ ngoại giao dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, có thành tích xuất sắc tham gia chương trình thạc sĩ tại các đại học ở Ý. Học bổng MAECI thì ít nặng yêu cầu về điểm số hơn Invest Your Talent mà sẽ đánh giá cao về phần phỏng vấn và mức độ phù hợp của bạn.
Học bổng trường: Một số đại học có học bổng trường với mức tài trợ có thể tương đương với học bổng Chính phủ, dành cho các bạn có thành tích học tập xuất sắc.
Những học bổng này các bạn phải tự tìm hiểu và làm hồ sơ xin học bổng khi mở đợt ứng tuyển nhé (mình sẽ có một bài riêng chi tiết hơn về học bổng và trợ cấp - bài 4), chứ sẽ không có kiểu học bổng phân bố về trường đại học đâu. Trừ khi bạn đang theo đuổi các chương trình ngôn ngữ ở bậc Đại học hoặc trao đổi văn hóa thì mới có các chế độ học bổng phân về trường thôi, còn những khoản học bổng ở trên là dành cho mọi sinh viên, đa dạng ngành nghề và ứng tuyển tự do miễn đủ điều kiện yêu cầu.
Các chương trình thạc sĩ tại các đại học lớn ở Ý đều có giảng dạy bằng tiếng Anh nên nếu bạn đăng ký khóa tiếng Anh thì chỉ việc đáp ứng yêu cầu bằng tiếng Anh và tham gia ứng tuyển học bổng bằng tiếng Anh, trừ khi đăng ký chương trình học bằng tiếng Ý thì mới phải dùng tiếng Ý.
Ngoài ra, có một loại học bổng được rất nhiều du học sinh Việt Nam quan tâm là học bổng vùng. Học bổng này nên được hiểu như một khoản trợ cấp của Chính phủ Ý dành cho sinh viên trên cơ sở mọi người đều có quyền học tập (diritto per lo studio). Học bổng này không dựa trên thành tích học tập như các loại học bổng đã đề cập ở trên, mà dựa trên chỉ số ISEE (Equivalent Economic Situation Indicator - Chỉ số tình hình kinh tế tương đương) phản ánh tình trạng kinh tế của sinh viên. Các du học sinh Việt Nam thường được xếp vào nhóm thu nhập thấp, có mức ISEE thấp nên dễ nhận khoản học bổng này hơn.
Nước Ý được chia thành 20 vùng. Đại học mà bạn đang theo học ở vùng nào thì sẽ nộp đơn xin học bổng thuộc vùng đó. Chính sách của từng vùng là khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thì học bổng vùng đều cho bạn cơ hội miễn học phí, đăng ký ở ký túc xá giá rẻ và tiền sinh hoạt phí; nên những bạn đã nhận học bổng vùng dù ít hay nhiều nhìn chung đều sinh sống học tập thoải mái hơn. Học bổng vùng có cho bậc đại học và các bạn phải sang Ý nhập học rồi mới có thể xin loại học bổng này. Tuy không xét trên thành tích học tập nhưng nếu bạn đã nhận học bổng vùng của năm này thì bạn phải đáp ứng đủ số tín chỉ yêu cầu để xin tiếp vào năm sau, có nghĩa là bạn phải hiểu: bạn được hỗ trợ tiền để đi học thì bạn phải học cho đàng hoàng, chứ không phải nhận tiền xong bỏ bê để đi chơi hay làm thêm rồi không qua môn được nha. Chương trình châu Âu nhìn chung rất khó nên không học hành cẩn thận là khó ra trường lắm. Học bổng vùng cũng sẽ được đề cập chi tiết hơn ở bài 4.
Yêu cầu ngôn ngữ
Như đã nói ở trên, rất ít ngành ở bậc đại học có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, do đó nếu học bằng tiếng Ý thì sẽ chọn được nhiều ngành hơn. Yêu cầu để nhập học chương trình tiếng Anh là IELTS 6.0 trở lên và yêu cầu để nhập học chương trình tiếng Ý là cấp độ B2.
Đối với hệ thạc sĩ thì đa phần các đại học lớn đều có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh lẫn tiếng Ý.
Cũng như Pháp, Ý là đất nước không sử dụng tiếng Anh phổ biến như nhiều nước khác ở châu Âu. Trừ những người làm việc trong môi trường quốc tế hoặc dịch vụ du lịch thì rất ít người Ý biết tiếng Anh. Ngoài ra, dân tộc Ý cũng có lòng tự tôn rất lớn. Họ luôn tự hào về ngôn ngữ của nước họ - con đẻ của chữ Latin và là ngôn ngữ của nghệ thuật, thơ ca cũng như khoa học. Do đó, ngay cả khi bạn học chương trình tiếng Anh, việc không biết một chút tiếng Ý nào sẽ gây nhiều khó khăn khi sinh sống tại Ý, chưa kể là hầu như không có khả năng tìm việc làm hoặc thực tập tại các công ty Ý.
Ý có các chương trình hỗ trợ học tiếng miễn phí hoặc học phí cực kỳ ưu đãi, vì vậy các bạn du học sinh khi đến Ý nên chịu khó theo học để tạo thuận lợi cho bản thân cũng như mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Rất nhiều du học sinh, cựu du học sinh Ý cho rằng nên học hệ cử nhân bằng tiếng Ý để tiếp cận trọn vẹn tinh hoa giáo dục của đất nước này, sau đó học tiếp thạc sĩ bằng tiếng Anh. Việc thành thạo hai ngôn ngữ cũng giúp bạn có giá hơn trong môi trường làm việc quốc tế.
Hẳn là nhiều bạn sẽ cảm thấy nản chí vì rào cản ngôn ngữ. Rõ ràng tiếng Ý không phải là ngôn ngữ được giảng dạy phổ biến ở Việt Nam và cũng khá khó học so với tiếng Anh (mặc dù đây là một ngôn ngữ rất hay). Tuy nhiên mình cũng nói thêm rằng không có một con đường nào trải đầy hoa hồng. Bạn muốn được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến với mức chi phí hợp lý, đương nhiên bạn cũng phải nỗ lực để hòa nhập với môi trường sống và văn hóa của nước họ. Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể theo học chương trình tiếng Anh ở trường tư hoặc ở các nước nói tiếng Anh, tuy nhiên chi phí cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc.
Xin tạm dừng bài 1 tại đây và hẹn gặp lại các bạn ở kỳ sau: giới thiệu các đại học hàng đầu ở Ý cũng như môi trường sống của thành phố sở hữu đại học đó.
------------------------------------------------
Sau chuỗi bài về "Du học Ý", mình sẽ viết cuốn tiểu thuyết thứ ba với bối cảnh chính ở đất nước hình chiếc ủng. Nếu các bạn đã từng đọc cuốn Sóng và Đường chúng ta đi, hẳn là cũng còn nhớ bộ tứ thân thiết thời đại học gồm các chàng trai: Kiên, Tùng, Vũ, Bảo. Kiên là nam chính của cuốn Sóng, Tùng là nam chính của cuốn Đường chúng ta đi, còn Bảo sẽ là nam chính của cuốn sách tiếp theo này nhé.
Qua câu chuyện tình của anh kỹ sư Việt Nam với cô gái Ý con một chủ trang trại trồng nho, ô liu và làm rượu vang, sẽ có thật nhiều trang viết về những thành phố xinh đẹp và cổ kính, những ngày ở miền quê Toscana thơ mộng hay cảnh sinh hoạt và cảnh sắc nồng nàn ở trang trại nho, còn có những món ăn ngon mang linh hồn xứ sở, một chút sắc màu trong cuộc sống của người Việt ở nước ngoài và cả một góc nhìn từ tâm lý học tội phạm... Tiểu thuyết là hư cấu, nhưng những tình tiết đây đó trong trang viết cũng đều được đúc rút từ những trải nghiệm và chắt lọc trong cuộc sống đời thường. Ở đó, các bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về phong cảnh, văn hóa và ẩm thực Ý, bởi vì khi chúng ta đi du học, không chỉ là để thu nạp kiến thức mà còn là để trải nghiệm, và đất nước mà chúng ta lựa chọn đến nên được bắt đầu bằng một tình yêu.
Comments