top of page
Writer's pictureAthena

Chuyện cái tủ lạnh

Bài viết này cũng lâu lắm rồi, cách đây 10 năm, khi mình còn dùng em Hitachi dung tích chưa bằng một nửa em Bosch side by side bây giờ, và cũng được lên báo hẳn hoi. Nay mình biên tập lại, có bổ sung cập nhật cho phù hợp với cái bếp hiện tại để chia sẻ cùng các bạn.


***

Nếu cái tủ lạnh biết nói, nó sẽ nói gì nhỉ?


Hẳn là nó sẽ gào thét khi bạn xem nó như một cái kho chứa thực phẩm để tùy tiện nhét đủ thứ thượng vàng hạ cám vào đó, không cần quan tâm đến việc bảo quản thức ăn và giữ gìn tủ lạnh cho đúng cách. Hẳn nó sẽ rên la than vãn nếu cả tháng trời bạn chẳng thèm vệ sinh để nó được sạch sẽ thơm tho. Và hẳn nó sẽ nhẹ nhàng cảm ơn bạn nếu bạn biết chăm sóc đúng cách, không chỉ giúp tủ lạnh nhà bạn được gọn gàng sạch đẹp mà còn bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn.

Và bây giờ là chuyện cái tủ lạnh nhà mình.


Gia đình mình có 4 người, và nói chung cũng thuộc thành phần có "tâm hồn ăn uống". Mình không có thời gian cũng như thói quen đi chợ hàng ngày, nên thường là mình mua sắm thực phẩm cho cả tuần (có khi hơn) và bảo quản trong tủ lạnh hoặc các ngăn tủ bếp nếu phù hợp. Việc bảo quản thực phẩm sao cho đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, tươi lâu, gọn gàng tiện lợi và tiết kiệm thời gian chuẩn bị bữa ăn vì thế rất quan trọng. Thường thì thực phẩm sau khi mua về được mình phân loại như thế này:

  • Đối với các món chính (thịt, cá, tôm...) nếu không ăn ngay thì rửa sạch, chia thành từng bữa vừa ăn và bỏ vào hộp theo kích cỡ tương ứng. Để dễ sắp xếp và tiết kiệm diện tích, mình thường dùng một loại hộp với nhiều cỡ từ nhỏ đến lớn. Bữa nào ăn gì chỉ cần rút hộp đó ra, tuyệt đối không rã đông rồi dùng một ít sau đó lại nhét vào tủ lạnh. Ngăn cửa tủ đông là nơi bảo quản khoai tây lạnh để chiên, các loại rau củ quả đông lạnh dùng làm salad.

  • Rau củ quả: Nhà mình ăn nhiều rau quả, nếu là "của nhà trồng được" thì khi nào ăn mình mới hái, không cất tủ lạnh. Với những thứ mua về, mình phân loại theo độ bền sản phẩm. Cụ thể: các loại rau dễ héo nhũn hoặc các loại quả chóng hỏng như dâu tây..., mình cho vào hộp FreshWorks chuyên bảo quản rau quả tươi lâu. Với các loại quả có thể giữ lâu hơn như cà chua, chanh ớt..., mình đựng trong hộp thực phẩm thông thường. Hai ngăn rau của tủ lạnh được dùng để đựng các loại củ quả như bầu bí mướp, cà rốt, các loại đậu...

  • Đối với đồ ăn chín thì mình cho vào hộp thủy tinh có nắp, khi lấy ra dùng chỉ việc hâm trực tiếp trong lò vi sóng. Thức ăn nhanh, trứng, sữa, phô mai, nước uống... cũng có ngăn riêng để cất.

  • Các loại sauce và gia vị cần bảo quản lạnh thường được bố trí ở cánh cửa tủ mát.


Sắp xếp linh hoạt và hợp lý

Thực phẩm trong tủ lạnh không phải lúc nào cũng giống hệt nhau cả về thể loại lẫn số lượng. Tủ lạnh của "người độc thân vui tính" khác với tủ lạnh của một bà mẹ có con nhỏ đang tuổi ăn dặm, tủ lạnh đầu tuần khác với tủ lạnh cuối tuần... Chính thói quen ăn uống phong phú và đa dạng theo từng thời điểm, sở thích của từng thành viên, sự thuận tiện khi mua sắm... mà chiếc tủ lạnh có rất nhiều cách sắp xếp phù hợp, miễn là đáp ứng được nhu cầu bảo quản thực phẩm và hợp lý hóa không gian.


Để tối ưu hóa không gian tủ lạnh, nên có sự sắp xếp hợp lý. Tránh nhét bừa vào tủ lạnh đủ thể loại bao bì, chai lọ, hộp to hộp nhỏ hoặc đồ ăn còn nguyên gói xách từ chợ về..., vừa mất vệ sinh vừa lộn xộn, rối mắt, chật chội và khó sử dụng. Hãy phân loại thực phẩm trong các loại hộp, khay, bao bì... phù hợp; sắp xếp trật tự theo các ô, ngăn tương ứng và sử dụng các đồ đựng, phân ngăn chuyên dụng cho tủ lạnh để tận dụng không gian một cách tối ưu.


Tủ lạnh có một ưu điểm so với nhiều loại tủ khác là có thể điều chỉnh độ cao thấp của các ngăn, cho phép chúng ta bố trí linh hoạt tùy theo loại và lượng thực phẩm cần bảo quản. Với bản thân mình thì yếu tố thẩm mĩ khi sắp xếp tủ lạnh đứng hàng thứ yếu (tất nhiên nếu đẹp được thì càng tốt). Điều cần ưu tiên hơn là sự thuận tiện khi sử dụng, nói nôm na là dễ lấy và dễ cất. Đó cũng là lý do mình thích dùng các loại hộp của Rubbermaid do thiết kế khoa học và thông minh. Các hộp có mặt đáy bằng nhau, xếp chồng lên nhau rất gọn, dễ quan sát hết các món đồ và khi cần lấy món nào có thể rút ra dễ dàng.

Phân khu chức năng trong tủ lạnh nhà mình:

  • Phần ngăn đông: Ngăn trên cùng đựng kem, các loại quả đông lạnh, phô mai que hoặc đế bánh pizza... Các ngăn tiếp theo đựng thực phẩm đã được chia thành từng phần ăn phù hợp trong hộp chuyên dụng. Hai hộc cuối cùng đựng các loại thực phẩm mua sẵn đã đóng gói trong bao bì. Cánh cửa đựng khoai tây hoặc rau củ quả đông lạnh...

  • Phần ngăn lạnh: Ngăn trên cùng đựng đồ hộp, ngăn thứ hai đựng sữa chua, phô mai, sữa hạt hay món tráng miệng. Các ngăn tiếp theo đựng rau quả hoặc đồ ăn chín cần giữ mát. Hai hộc cuối cùng đựng củ quả. Cánh của đựng các loại sauce, bia...

  • Tủ lạnh mình lấy đá và nước mát bên ngoài nên không cần quá nhiều diện tích giữ đá.


Hộp đựng cho tủ lạnh


Hộp bảo quản thực phẩm là thứ không thể thiếu để tổ chức không gian tủ lạnh, đồng thời giữ cho thực phẩm được tươi lâu, đảm bảo vệ sinh. Dù dùng loại hộp nào, bạn nên nhắm đến tiêu chí an toàn cho thực phẩm, thiết kế khoa học và độ bền cao. Hộp đựng thực phẩm mà mình yêu thích nhiều năm nay là các loại hộp của Rubbermaid với các ưu điểm: chất liệu an toàn, thiết kế thông minh, vô cùng kín, sử dụng linh hoạt, hình thức đẹp lại còn sản xuất tại Mỹ. Nếu các bạn quan tâm hơn đến sản phẩm hộp Rubbermaid, mình có một bài viết riêng về hộp này: Bàn về hộp đựng thực phẩm.


Ở nhà mình chủ yếu sử dụng 2 loại hộp sau của Rubbermaid:

  • Easy Find Lids và Easy Find Vented Lids: đây là loại hộp thuộc dòng Everyday Use của Rubbermaid, sử dụng được cả trong tủ đông, tủ mát, lò vi sóng và máy rửa chén. Hộp này siêu kín và siêu bền, đựng chất lỏng dốc ngược rung lắc không đổ, đựng mít hay sầu riêng không tỏa mùi, mình dùng cả chục năm trời vẫn không hư hỏng, đặc biệt có cái nắp gắn khít dưới đáy và dễ lồng vào nhau nên khi không dùng đến thì xếp rất gọn lại tránh thất lạc. Hộp này được sản xuất tại Mỹ.

  • Hộp FreshWorks: đây là loại hộp thuộc dòng Produce Preservation có thiết kế chuyên biệt dùng để bảo quản rau quả tươi cực kỳ lâu, ở VN hay gọi nôm na là hộp "rau thở". Hộp này giúp đào thải các chất dư thừa như nước và Carbon Dioxide (được tạo ra khi trái cây chín) giúp rau củ và trái cây luôn tươi và lâu bị hỏng.


Với các thực phẩm chín và đồ tráng miệng thì mình dùng hộp thủy tinh.

Duy trì nhiệt độ phù hợp và hạn chế tiêu hao năng lượng


Thường thì ngăn đông có nhiệt độ âm khoảng 18-20 độc C, ngăn lạnh nhiệt độ từ 0-4 độ C là phù hợp. Tuy nhiên, không hẳn chúng ta chỉ việc chỉnh nhiệt độ như thế là có thể đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ. Sau đây là một vài tip để ổn định độ lạnh và hạn chế tiêu hao năng lượng.

  • Mật độ phù hợp: không nhiều quá cũng không ít quá. Nếu tủ lạnh kín mít với những gói đồ ăn chồng chất lên nhau, không tạo một khe hở nào cả để khí lạnh lưu thông thì chất lượng bảo quản thực phẩm sẽ bị giảm sút, dễ phát sinh hiện tượng đông đá, úng rữa ở các vách tiếp giáp trong khi lại thiếu lạnh ở những nơi khác. Nếu sắp xếp đồ ăn quá ít thì sự trao đổi nhiệt với môi trường bên ngoài khi mở tủ sẽ tăng mạnh, vừa gây tốn điện vừa giảm độ lạnh. Do đó, để duy trì chế độ bảo quản tốt cũng như tiết kiệm năng lượng, ngoài việc chỉnh nhiệt độ phù hợp, nên sắp xếp thực phẩm với mật độ khoảng 60-80%. Vấn đề của hầu hết các gia đình lưu trữ thực phẩm cả tuần là chúng ta thường có một cái tủ lạnh đầy ắp vào đầu tuần và rỗng tuếch vào cuối tuần, mặc dù về cơ bản thức ăn được lấy đi đều đặn hàng ngày nên có quá tải một chút vào ngày đầu và thoáng rỗng vào ngày cuối cũng không ảnh hưởng tiêu cực gì lắm. Theo kinh nghiệm cá nhân thì mình thường sắp xếp dàn trải hết các ngăn nhưng lại tạo khoảng trống giữa các hộp và vách tiếp giáp, giữa các hộp với nhau và cũng như giữa nắp hộp với khoảng không bên trên để tạo không gian không kín quá cũng không hở quá, lại tận dụng được nhiều chỗ đựng.

  • Luôn làm nước đá: Sự hiện diện của nước đá trong ngăn đông giúp độ lạnh được duy trì tốt hơn và tiết kiệm điện. Vì vậy, ngay cả khi không có nhu cầu dùng nước đá, bạn vẫn nên có một khay đá trong tủ. Một ưu điểm nữa (rất phù hợp với tình hình thiếu điện ở Việt Nam) là khi ông điện lực có lên cơn "ẩm ương" thì độ lạnh của nước đá cũng như các hộp đồ đông lạnh sẽ giữ cho thức ăn không bị hư hỏng dù có cúp điện từ sáng đến chiều.

Chăm sóc tủ lạnh


Đây là chế độ chăm sóc tủ lạnh ở nhà mình:

  • Vệ sinh định kỳ mỗi tuần một lần bằng chanh và nước sạch. Chanh có tác dụng tẩy rửa tốt, lưu lại mùi hương thiên nhiên nhẹ nhàng và không làm thực phẩm ảnh hưởng bởi hóa chất. Vệ sinh ngay lập tức nếu lỡ để trào, dính thức ăn trong tủ lạnh.

  • Luôn đặt trong ngăn mát tủ lạnh một vài quả tắc (quất) cắt đôi, lát chanh hoặc vỏ quýt để khử mùi, tạo mùi hương thơm mát tự nhiên khi mở tủ.

  • Những thực phẩm có mùi luôn được đậy kín để tránh ô nhiễm mùi cho tủ lạnh cũng như các loại thức ăn khác.

  • Phân loại và sắp xếp các loại thực phẩm có chức năng và chế độ bảo quản riêng theo từng khu vực tương ứng: thịt cá, rau củ quả, trứng, sữa, bơ & phô mai, thức ăn nhanh, đồ ăn chín, nước xốt & gia vị...

Còn đây là hình ảnh gian bếp với chiếc tủ lạnh yêu quý của mình:


Chiếc tủ lạnh là người bạn thân yêu của gia đình, nên cũng cần được "lắng nghe và thấu hiểu". Nếu không được giữ gìn và sử dụng đúng cách, rất có thể nó sẽ trở thành một "kẻ giết người thầm lặng".


537 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page